Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên: Cần hướng đến đối tượng có nguy cơ cao
27/07/2012 Lượt xem: 1975 In bài viếtỞ nước ta, thanh niên chiếm khoảng 20% dân số, là thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, lớp người xây dựng và phát triển đất nước. Sự phát triển của thanh niên không những quan hệ đến vận mệnh và tồn tại của đất nước, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc. Vì vậy, “giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên” như lời Hồ Chủ tịch là nhiệm vụ cần thiết trong mọi thời đại và cấp bách trong tình hình hiện nay. Trong đó, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật cho thanh niên là nhiệm vụ không thể thiếu trong việc bồi dưỡng, phát triển thanh niên Việt Nam.
Xác định thanh niên luôn là lực lượng chiến lược của quốc gia dân tộc, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giáo dục toàn diện cho thanh niên, nâng cao tri thức, trình độ văn hóa cho thanh niên. Tại Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa VII), đã nêu: “thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng...”. Báo cáo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X cũng nêu:“đối với thế hệ trẻ, thường xuyên giáo dục chính trị, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống; tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục khẳng định “xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có ý thức chấp hành pháp luật…”.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản, đề án, chương trình về phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó thanh niên luôn được xác định là đối tượng chính. Như, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002; Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 xác định mục tiêu đến hết năm 2012 có 95% thanh thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... đặc biệt là Quyết định số 2106/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức phápluật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên được triển khai rộng rãi
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Mỗi năm có gần 10 triệu lượt thanh niên được giáo dục pháp luật thông qua 20.000 buổi tuyên truyền, học tập, sinh hoạt và các hoạt động khác. Các Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống tội phạm”, “Tuổi trẻ với pháp luật” hoặc “Thanh niên với pháp luật” được thành lập ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đến nay có khoảng 11.000 Câu lạc bộ được thành lập với hàng triệu thanh niên tham gia; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong câu lạc bộ thường được thực hiện thông qua buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ hoặc tổ chức giao lưu, sinh hoạt văn hóa hay nêu gương người tốt, việc tốt trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, phân tích những hành vi cực đoan, vi phạm pháp luật ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, đoàn viên thanh niên ở cơ sở còn là thành viên của Đội thanh niên xung kích, tham gia tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn cùng lực lượng Công an xã, phường; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kiềm chế ùn tắc giao thông cùng lực lượng Cảnh sát giao thông. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương chú trọng việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; in các tài liệu pháp luật và cấp phát cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức các chiến dịch, đợt cao điểm nhằm hướng thanh niên tham gia vào các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội (mại dâm, ma túy, cờ bạc, đua xe trái phép...).
Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên đã mang lại những kết quả tích cực, nhận thức pháp luật của thanh thiếu niên đã nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao khi có sự vào cuộc của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn thanh niên với các cơ quan truyền thông, các Sở, ban, ngành của địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.
Còn nhiều thanh niên vi phạm pháp luật
Mặc dù các cơ quan, tổ chức, các cấp Đảng, chính quyền đã có nhiều nỗ lực để phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, nhưng hiệu quả của công tác này còn chưa cao, hơn nữa kết quả khó có thể định lượng bởi có nhiều trường hợp hiểu luật, biết luật mà vẫn cố tình vi phạm. Tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra, tập trung vào một số lĩnh vực về an toàn giao thông, trộm cắp, ma túy, hôn nhân - gia đình, xâm phạm sở hữu, sức khỏe, tính mạng… Đặc biệt, một bộ phận thanh niên đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm tội có sử dụng vũ khí với tính chất côn đồ, phạm các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ như: giết người, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản có giá trị lớn…). Trong 5 năm trở lại đây có 47.000 vụ phạm pháp hình sự do học sinh, sinh viên gây ra; tỷ lệ không chấp hành an toàn giao thông ở bậc trung học phổ thông chiếm đến 70% số thanh thiếu niên các bậc học vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Trong số 5.746 vụ về trật tự xã hội xảy ra 6 tháng đầu năm 2008, có khoảng 9.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự (tăng 2% số vụ so với cùng kỳ năm 2007). Theo tổng kết của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2011, Tổng cục đã xử lý 15.000 vụ phạm pháp hình sự, xử lý trên 22.000 đối tượng, trong đó có hơn 75% là thanh thiếu niên. Hiện tượng một số thanh thiếu niên sử dụng thuốc lắc, ma túy, xem và lưu giữ phim ảnh đồi trụy, hành xử theo kiểu giang hồ, xã hội đen, đạo đức và lối sống xuống cấp; bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, bạo lực học đường... đã không còn là hiện tượng hy hữu và thực sự đang là nỗi lo của toàn xã hội.
Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh – nơi tập trung nhiều thanh niên từ các tỉnh, thành khác về học tập, lao động, sinh sống trên địa bàn thành phố - tình hình thanh niên phạm pháp chiếm phần lớn trong tổng số vụ việc vi phạm pháp luật. Ở Hà Nội có khoảng 02 triệu thanh niên, chiếm 30% dân số thành phố (trong đó có hơn 500 nghìn thanh niên, sinh viên đang học tập tại 64 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, số còn lại là lao động trong các doanh nghiệp, lao động tự do). Theo thống kê của các cơ quan tư pháp, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm pháp chiếm khoảng 50% số các vụ việc vi phạm pháp luật. Ở thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011 có 702 vụ vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra (chiếm 18,82%) với 1.156 đối tượng (chiếm 23,69%) trong số 3.730 vụ phạm phạm hình sự được Công an thành phố khám phá; năm 2010 có 1.235 đối tượng dưới 18 tuổi (chiếm 24,77%), 2.735 đối tượng tuổi từ 18 đến 30 (chiếm 54,86%) trong số 4.985 đối tượng bị công an bắt và xử lý.
Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, như vốn sống và và hiểu biết xã hội của thanh niên còn hạn chế; khả năng tiếp nhận thông tin nhanh nhưng ít chọn lọc và dễ bị kích động, lôi kéo, lợi dụng; đồng thời tình trạng thanh niên khó khăn trong cuộc sống, thất nghiệp, chưa có việc làm, lao động nông nhàn ra thành phố kiếm sống, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội không ngừng tăng nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt đã có tác động xấu đến lối sống của một bộ phận thanh niên trong việc chấp hành pháp luật… trong các nguyên nhân đó phải kể đến nguyên nhân do thiếu hiểu biết về pháp luật của thanh niên, thể hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên chưa thực sự có hiệu quả.
PBGDPL cho thanh niên - cần đi vào chiều sâu và đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật
Để có thể đạt được những kết quả như mong muốn, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên phải được xác định “là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị”. Do đó, để nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, giảm tình trạng thanh niên vi phạm pháp luật như mục tiêu Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên” đề ra, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên đòi hỏi sự quan tâm, của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Để công tác này thực sự có hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Nâng cao nhận thức của một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương về vị trí, vai trò của thanh niên và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên đối yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần được triển khai thường xuyên, thực chất, có kế hoạch, có mục đích, phải xác định kết quả đầu ra rõ ràng.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao.
Đối tượng thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao thường là thanh niên sống trong gia đình, khu vực đặc biệt như: thanh niên không có trình độ văn hóa (do bỏ học sớm); gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội, hoặc bố mẹ là những “con buôn”, chủ lô đề, cờ bạc; thanh niên không có việc làm...đây là những đối tượng rất dễ vi phạm pháp luật do bị tác động bởi hoàn cảnh.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên cần bám sát các nội dung và nhiệm vụ của Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 – 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ).
- Cần đề cao hơn nữa tầm quan trọng của môn học giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học, bậc học.
- Quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.
(Theo moj.gov.vn [TT: NTH])