Tủ sách pháp luật: Đáp ứng nhu cầu của đồng bào ở cơ sở song cần chọn địa điểm đặt hợp lý

18/07/2012 Lượt xem: 1761 In bài viết

Công tác xây dựng TSPL tại địa bàn tỉnh Trà Vinh được Sở Tư pháp thực hiện khá khẩn trương. Tính đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 78/96 TSPL ở cấp xã, đạt 81,25%. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn liên tịch với Sở Văn hoá - Thông tin, Bưu điện Trà Vinh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp xây dựng TSPL lồng ghép. Đã có 84/96 TSPL ở các thư viện xã, 48 TSPL ở bưu điện văn hóa xã, 4 TSPL ở 4 Đồn biên phòng, 23 TSPL ở các chùa Khmer. Như vậy, nếu tính chung thì hiện nay toàn tỉnh có 237 TSPL và TSPL lồng ghép, trung bình mỗi tủ có khoảng 60 đầu sách và thường xuyên luân chuyển giữa các tủ là trên 180 đầu sách pháp luật các loại.

Có thể nói, việc đầu tư xây dựng TSPL ở cấp xã hiện nay cho thấy sự chú trọng của các cơ quan, ban ngành tỉnh trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo phương châm hướng về cơ sở, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật vốn rất bức xúc trong nhân dân hiện nay. Nội dung các đầu sách là những văn bản pháp luật như luật dân sự, luật hình sự, luật hôn nhân và gia đình, luật đất đai, luật khiếu nại-tố cáo… Bên cạnh đó, tủ sách còn có nhiều đầu sách giới thiệu về các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc tôm, sức khoẻ mọi nhà, truyện tranh thiếu nhi… đã góp phần làm phong phú thêm nội dung của TSPL, đáp ứng nhu cầu thưởng thức tinh thần của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc Khmer sinh sống vốn ít điều kiện tiếp cận với thông tin đại chúng.

Ông Lý Văn Bội ở xã Hiệp Mỹ (Cầu Ngang) cho biết: Nhờ có tủ sách mà ông thường xuyên đọc được các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò thịt, nhờ vậy mà đàn bò 10 con của gia đình phát triển khá tốt, tăng trọng nhanh. Hoặc chị Nguyễn Thị Mai ở xã Long Hữu (Duyên Hải) thì khi đang chờ làm thủ tục khai sinh cho con, chị tranh thủ đọc quyển luật hôn nhân và gia đình mới biết việc đăng ký kết hôn quan trọng như thế nào bởi vì chị đã kết hôn hơn 5 năm nhưng chưa làm giấy đăng ký kết hôn.

Ghi nhận tại một vài xã, thị trấn chúng tôi nhận thấy, việc khai thác và sử dụng các TSPL ở cấp xã ngoài tác dụng như đã nêu trên vẫn còn nhiều hạn chế. Bạn đọc thường chỉ đến các TSPL mượn đọc tại chỗ, chỉ những trường hợp có việc cần, bức xúc mới mượn về nhà xem. Từ đó hiệu quả của việc khai thác và sử dụng TSPL chưa cao. Phần lớn các TSPL đều được đặt ở Văn phòng Uỷ ban xã - cơ quan công quyền nên người dân rất ngại đến đọc và tìm hiểu mà thích đến tủ sách của Bưu điện văn hóa hơn. Các đầu sách pháp luật được giới thiệu còn hạn chế về nội dung, sự luân chuyển giữa các TSPL còn chậm trong khi người dân rất cần tiếp cận đến những thông tin mới nhất. TSPL thường giao cho cán bộ tư pháp quản lý nên khi cán bộ này đi vắng thì người đọc gặp nhiều khó khăn…

Xây dựng TSPL là một chủ trương đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong nhân dân, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng. Qua việc tìm hiểu những văn bản pháp luật mà người dân tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp hơn, đúng pháp luật. Song, để khai thác và sử dụng hiệu quả TSPL, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần xem xét bố trí địa điểm đặt TSPL cho hợp lý, tiện lợi cho người dân đến đọc. Nên đầu tư thêm nhiều đầu sách, báo phong phú về nội dung để đáp ứng đa dạng đối tượng tìm hiểu. Cần phối hợp giữa TSPL, thư viện, bưu điện văn hóa để bố trí người trực tiếp quản lý để phục vụ tốt hơn. Công tác tuyên truyền, giới thiệu danh mục sách pháp luật mới, tập huấn, tuyên truyền miệng cần được địa phương chú trọng nhằm mang lại hiệu quả trong việc khai thác và sử dụng TSPL.

Trí Dũng