Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật
27/07/2012 Lượt xem: 4584 In bài viếtNhư ta đã biết giáo dục pháp luật trong nhà trường được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau nhưng có hai kênh chính đó là: giáo dục pháp luật thông qua các chương trình môn học có liên quan trực tiếp đến pháp luật như: đạo đức (tiểu học), giáo dục công dân (trung học cơ sở, trung học phổ thông), pháp luật đại cương (trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học) và giáo dục pháp luật thông quá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên. Việc nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong nhà trường gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập các môn học đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật và nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục cho học sinh, sinh viên. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả của giáo dục pháp luật trong nhà trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: tác động của xã hội, của môi trường sống, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, các tổ chức chính trị xã hội ...
Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến các giải pháp nâng cao hiệu quả của giáo dục pháp luật trong nhà trường gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập các môn học đạo đức, giáo dục công dân, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục cho học sinh, sinh viên.
1. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật thông qua các môn học đạo đức, giáo dục công dân và pháp luật trong nhà trường
1.1. Hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa tài liệu giảng dạy phù hợp từng bậc học, cấp học.
Chương trình, sách giáo khoa các môn học đạo đức, giáo dục công dân là một trong nguồn cung cấp tri thức pháp luật cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng và hình thành nhân cách học sinh, nhân cách người công dân trong xã hội mới. Hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật trong nhà trường. Chương trình giáo dục pháp luật trong nhà trường phải:
- Phục vụ mục tiêu giáo dục của từng cấp học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Cao đẳng và Đại học.
- Đảm bảo cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về pháp luật, vai trò và tác động của pháp luật trong đời sống xã hội. Nội dung kiến thức pháp luật trong chương trình phải phù hợp với đặc điểm nhận thức và tâm, sinh lý của lứa tuổi học sinh.
- Đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, tính logic, tính liên tục, nhất quán trong nội dung, chương trình giáo dục pháp luật, đảm bảo sự thống nhất giữa những giá trị đạo đức và giá trị pháp luật. Đảm bảo sự kết hợp giữa yêu cầu nâng cao nhận thức với hình thành thái độ, hành vi, giữa học với hành.
- Đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lý luận và thực hành trong giáo dục pháp luật. Tránh tình trạng liên hệ một cách khiên cưỡng, gò ép hoặc xa rời thực tế. Cần lựa chọn vấn đề sao cho phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh, các em có thể tiếp cận một cách tự nhiên, hứng thú, tạo cho các em nhận thức đúng đắn về xã hội và môi trường xung quanh.
1.2. Kiện toàn đội ngũ giáo viên
Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy và cập nhật kiến thức pháp luật cho giảng viên, giáo viên dạy các môn pháp luật, giáo dục công dân, đạo đức.
Kết hợp giảng dạy pháp luật trong chương trình chính khoá với việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong các chương trình ngoại khoá từng bước hình thành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.
Cung cấp tài liệu, hỗ trợ phương tiện giảng dạycho giáo viên
1.3. Xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo
Biên soạn các sách tham khảo, các sách hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo từng chuyên đề.
Biên soạn các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền.
Xây dựng hệ thống tài liệu tham khảo môn học pháp luật phục vụ việc giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường.
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục trong nhà trường
2.1. Xây dựng, củng cố, kiện toàn và mở rộng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong ngành giáo dục.
- Kiện toàn tổ chức đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cùng với đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục.
- Củng cố, mở rộng lực lượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy môn pháp luật, giáo dục công dân, đạo đức trong các trường học cần phối kết hợp với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; các chuyên gia làm công tác pháp luật, các phóng viên, biên tập viên chuyên mục, chương trình pháp luật của các báo, đài.
2.2. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
- Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật các cơ ưquan quản lý giáo dục.
- Cung cấp tài liệu về nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng nhóm đối tượng thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
2.3. Xây dựng, hoàn thiện và phát huy cơ chế phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giữa ngành giáo dục với các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội các cấp.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức ở Trung ương;
- Xây dựng, hoàn thiện và phát huy cơ chế phối hợp giữa Sở giáo dục và đào tạo; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
2.4. Đổi mới các biện pháp, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
- Phổ biến có hệ thống, thường xuyên các văn bản pháp luật cơ bản, quan trọng, các văn bản liên quan trực tiếp phù hợp với từng đối tượng, phổ biến sâu rộng, có chọn lọc các văn bản pháp luật mới ban hành.
- Tiếp tục xây dựng tủ sách pháp luật ở các trường học, nâng cao chất lượng quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, thường xuyên tuyên truyền vận động cán bộ, giáo viên, công nhân viên và người học đọc, tìm hiểu, bổ sung các tài liệu, sách, báo pháp lý của tủ sách pháp luật.
- Tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật trong các hoạt động ngoại khoá bằng nhiều hình thức như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; các buổi nói chuyện chuyên đề; giới thiệu văn bản mới trong các buổi sinh hoạt thường kỳ; tổ chức các cuộc ra quân tuyên truyền, cổ động; lồng ghép nội dung pháp luật trong các cuộc thi văn hoá, văn nghệ vv…
2.5. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng
- Các báo, tạp chí, bản tin của ngành tiếp tục xây dựng và củng cố các chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật để thông tin hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trao đổi nghiệp vụ; giải đáp pháp luật vv…
- Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn sử dụng rộng rãi cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Khuyến khích các đơn vị xây dựng các chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang Web của đơn vị mình thông qua việc hỏi đáp pháp luật, tin nhanh, giới thiệu văn bản pháp luật mới vv…
2.6. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Lập dự toán kinh phí dành cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, từ kinh phí hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2.7. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phạm Kim Dung (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp [TT:NTH])