Tỉnh Bình Thuận: Triển khai thực hiệu hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
14/06/2013 Lượt xem: 444 In bài viếtThực hiện Quyết định số 554 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 - 2012, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tiểu Đề án 2 về "Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 - 2012” có hiệu quả.
Với tổng diện tích tự nhiên 781.042,7 km 2, Bình Thuận có số dân trên 1,2 triệu người, gồm 35 thành phần dân tộc, trong đó có 34 dân tộc thiểu số, định cư sinh sống ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, với dân số trên 86 nghìn người (chiếm tỷ lệ 7% dân số toàn tỉnh), mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, rất phong phú và đa dạng tạo nên tính thống nhất trong nền văn hoá tại địa phương.
Thực hiện Tiểu đề án 2 về "Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 - 2012” Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức, triển khai tuyên truyền phổ biến các nội dung luật: Luật đất đai, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật bảo vệ môi trường, Luật giao thông đường bộ, đồng thời phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức tập huấn các lớp về các chủ trương, chính sách, pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tuyên truyền thực hiện 3 không "không bán đất sản xuất, không bán bò vay, không phá rừng" theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Bình Thuận.
Phối hợp với Vụ Pháp chế, Ủy Ban dân tộc (UBDT): tổ chức Hội thảo khoa học và khảo sát điều tra “Công tác phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường” cho 440 người thuộc 06 xã của 02 huyện Đức Linh và Tánh Linh với tổng kinh phí TW hỗ trợ là 180 triệu đồng; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật” dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận năm 2011 cho 10 xã/ 05 huyện với 100 thí sinh tham gia cuộc thi. Phối hợp Vụ địa phương II tổ chức hội thảo tuyên truyền về môi trường trong vùng đồng bào DTTS. Sưu tầm, nghiên cứu, in ấn và phát hành hơn 5.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo hành gia đình; Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, trong năm 2012, Ban Dân tộc còn phối hợp Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS; phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho 86 đại biểu thuộc 09 dân tộc là người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận.
Qua công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhiều địa phương đã khai thác tốt các lợi thế về vị trí, vai trò cán bộ chủ chốt, già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo và người có uy tín dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động và thuyết phục đồng bào tại các thôn, bản, xã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với chính sách pháp luật. Các cấp, các ngành đã chủ động phổ biến kịp thời những nội dung pháp luật mới được ban hành phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từng dân tộc tạo điều kiện để cán bộ đảng viên, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước và của xã hội. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã từng bước gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phần nào làm giảm bớt đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giảm thiểu các vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, giao thông …phát huy dân chủ, củng cố mối đoàn kết nhất trí trong cộng đồng thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Mặt khác, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nên tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, vi phạm pháp luật đã giảm hẳn; đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tích cực hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá và khu dân cư văn hoá; vận động con em đến trường và thực hiện tốt về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biêt, việc triển khai Đề án 2 đã góp phần tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu tình trạng gây rối an ninh trật tự xã hội vùng DTTS.
Theo cema.gov.vn
Thanh Thị Minh Hiền