Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
22/05/2013 Lượt xem: 476 In bài viếtCông tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, cụ thể: Các cấp chính quyền cơ sở chưa chú ý đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương; phần lớn địa bàn triển khai hầu hết thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa; đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần còn khó khăn nên việc triển khai công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; Tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn đơn điệu, câu từ khó nhớ, phần khác chưa kết hợp lồng ghép trực quan sinh động, sân khấu hóa nên đồng bào khó tiếp cận; Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật vừa thiếu, chưa có kinh nghiệm; chưa được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng; chưa am hiểu tâm lý, tập quán, tiếng nói, chữ viết của đồng bào; nguồn kinh phí thực hiện ít và phân khai chưa kịp nên quá trình triển khai còn lúng túng làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thực hiện Đề án.
Để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới đạt hiệu quả, xin kiến nghị một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp cho đồng bào dân tộc dễ nghe, dễ nhớ dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức về giới, bình đẳng giới, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thứ hai, Tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật mạnh cả về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, am hiểu tâm lý, tập quán, ngôn ngữ của từng dân tộc, của giới (nếu sử dụng người địa phương càng tốt) có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Thứ ba, Quan tâm tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật kết hợp lồng ghép trực quan sinh động, sân khấu hóa; mời báo cáo viên tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức trong cơ quan đơn vị mình các văn bản pháp luật mới, có liên quan trực tiếp đến chuyên môn nghiệp vụ của ngành; tham gia in ấn phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho đồng bào.
Thứ tư, Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết, vì vậy các cấp, các ngành cần dành một khoản kinh phí thích đáng trong hoạt động thường xuyên của mình để phục vụ hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được kịp thời.
Thứ năm, Cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể gắn với các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tránh sự trùng lắp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc biên soạn nội dung và tổ chức tuyên truyền cho đồng bào.
Thứ sáu, Thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở thực hiện tốt nội dung, kế hoạch đã đề ra, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết và đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tổ chức điển hình trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật để rút kinh ngiệm và tìm các giải pháp khắc phục tồn tại đưa ra phương hướng trong thời gian tới./.
Thanh Thị Minh Hiền
Theo: ubdt.gov.vn
[TT:TĐL]