Tác động của chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số
24/07/2013 Lượt xem: 533 In bài viếtTrong những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ tạo ra cơ chế bảo đảm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách được tiếp cận với dịch vụ pháp lý, mà còn góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Sở Tư pháp đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng loạt các biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2006-2010 đã có trên 15.000 lượt người được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; đã thực hiện trên 3.200 đợt tuyên truyền pháp luật lưu động, trợ giúp pháp lý lưu động, xét xử lưu động ở cơ sở, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện đồng bộ, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở.
Cùng với việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, việc ban hành và thực hiện Đề án Phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2006-2010 là một bước triển khai, áp dụng pháp luật sáng tạo, rất phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình thực tế của tỉnh, đã đem lại những hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân, xóa bỏ "khoảng trống" trong công tác trợ giúp pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, hình thành, củng cố ý thức tự giác tìm hiểu và chấp hành pháp luật, góp phần giữ vững, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Đánh giá cao về những kết quả đã đạt được, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, người nghèo và đối tượng chính sách, rèn luyện ý thức, thói quen tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành pháp luật của mỗi người dân; giúp người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Đồng thời tăng cường hơn nữa sự phối hợp của các cấp các ngành trong việc quản lý, hướng dẫn thực hiện pháp luật, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, các lực lượng làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; đưa công tác trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thành hoạt động thường xuyên của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 02/8/2011 về việc Phê duyệt Đề án Phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách giai đoạn 2011-2015. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để công tác công tác trợ giúp pháp lý và phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh liên tục và phát huy tác dụng tích cực, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, tập trung nguồn nhân lực cho công tác này, mang lại những hiệu quả thiết thực, thực hiện "Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật".
Việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ về pháp luật cho một bộ phận không nhỏ nhân dân, trong đó có người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những đối tượng yếu thế trong xã hội... được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, được trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, tạo sự công bằng trong nhận thức và chấp hành pháp luật, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm dân chủ, công bằng xã hội. Thông qua việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là đặc biệt quan tâm đến các chương trình giảm nghèo, chính sách dân tộc, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, giúp họ nâng cao kiến thức pháp luật, có được sự bình đẳng trong việc tiếp cận với pháp luật và được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước pháp luật. Công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở như trợ giúp pháp lý lưu động, hoạt động của Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, hoà giải... đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý ngay tại cơ sở, gắn chặt quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ công dân; hướng dẫn, phân tích, vận động và thuyết phục các bên có vướng mắc pháp luật nắm được quy định của pháp luật về một vấn đề hoặc một vụ việc cụ thể, tự thỏa thuận, giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc trên cơ sở tình làng nghĩa xóm, phù hợp với các quy định của pháp luật, cũng như hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp hoặc trường hợp người dân đòi hỏi những quyền lợi không đúng quy định pháp luật. Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần thực hiện đúng các thủ tục hành chính, thực hiện pháp chế XHCN. Các vụ việc được Trung tâm Trợ pháp lý nhà nước thực hiện như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, kiến nghị... đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, cũng giúp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được và thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính, hạn chế việc phải đi lại nhiều lần tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc của nhân dân. Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý còn giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc một cách khách quan, nghiêm minh, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý cũng giúp cho chính quyền cơ sở tháo gỡ khó khăn trong giải quyết công việc của địa phương liên quan đến pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng người dân thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cán bộ, công chức cấp xã nắm pháp luật không đầy đủ, gây ra phiền hà không đáng có cho người dân hoặc dễ nảy sinh tiêu cực, sách nhiễu trong việc giải quyết các công việc có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, góp phần làm cho chính quyền gần dân hơn, nhân dân hiểu chính quyền hơn, sẽ tạo thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước ở địa phương.
Thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tạo niềm tin của người dân vào nhà nước và pháp luật. Để phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở, thường xuyên thực hiện trợ giúp pháp lý cho nhân dân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý và phối hợp với các phòng Tư pháp cấp huyện hướng dẫn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã hoạt động bằng các hình thức như: Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật và các nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân tại cơ sở mà người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thường có nhiều vướng mắc, thực hiện tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật, hòa giải cho hàng ngàn trường hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở..., nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số...
Trong 6 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý trên 7.000 vụ việc cho 7.500 lượt người (tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý gần 1.000 vụ việc), trong đó người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Chủ động phục vụ nhân dân và "hướng về cơ sở", nơi có nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cũng là nơi người dân còn thiếu các thông tin pháp luật, hạn chế về kiến thức pháp luật, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cũng đã thực hiện trên 300 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đến các địa điểm thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động đã và đang phát huy tác dụng tích cực, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ở cơ sở rất đồng tình ủng hộ. Qua trợ giúp pháp lý lưu động Trợ giúp viên pháp lý được tiếp xúc và gần gũi với nhân dân, nắm được những yêu cầu, đề nghị, phản ánh của nhân dân và thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ tư vấn, giải đáp, hướng dẫn pháp luật và tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, giúp họ tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, giải toả những vướng mắc pháp luật trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tìm hiểu, học tập và tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, vươn lên, xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới./.
Lại Khoa Lâm
Trung tâm Trợ giúp pháp lý NN tỉnh Tuyên Quang
Nguồn tgpl.gov.vn
[TT: TBC]