Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải đổi mới nội dung

02/10/2013 Lượt xem: 428 In bài viết

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” Sóc Trăng đạt được những kết quả nhất định. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn đồng bào dân tộc thiểu số được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Sở, Ban ngành liên quan. Riêng Hội Phụ nữ tỉnh đã mở 148 lớp tập huấn trang bị kiến thức về quyền trẻ em, kiến thức giới, Luật Bình đẳng giới, kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng thương thuyết phòng chống bạo lực gia đình cho hơn 1.000 tuyên truyền viên cơ sở; phối hợp ngành Công an, Tư pháp mở 10 lớp phổ biến giáo dục pháp luật cho trên 1.400 cán bộ đoàn thể, trong đó có 167 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ nữ cơ sở. Mở 2 lớp tuyên truyền viên cơ sở và 2 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông cho ban chủ nhiệm các câu lạc bộ với tổng số 116 lượt cán bộ tham gia. Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và cấp phát tài liệu pháp luật Việt - Khmer cho các chùa và các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; gồm có 226 quyển Luật Đất đai, 2.266 quyển Luật Hôn nhân gia đình, 371 quyển Luật Phòng, chống bạo luật gia đình, 742 quyển Luật Khiếu nại, tố cáo, 389 quyển Luật Bảo vệ môi trường, 389 quyển Luật Giao thông đường bộ và 24.000 tờ gấp pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhận thức được vị trí, vai trò công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp hội bằng việc mở những khóa, lớp, hội thảo. Toàn tỉnh hiện có 8.960 báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điển hình như Ban Dân tộc phát triển tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer trong các điểm chùa, với số lượng 350 tuyên truyền viên. Đây là điểm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc. Đối với các mục tiêu, yêu cầu của đề án đặt ra đạt và vượt kế hoạch, nhất là tạo được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về pháp luật ở các Sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Đây là nhân tố quan trọng để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới triển khai kịp thời.

Huy động sự phối hợp thống nhất hành động của các thành viên Ban Chỉ đạo, phát huy sáng kiến và tính chủ động sáng tạo trong phương pháp, cách làm, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả thiết thực. Cụ thể, các Trung tâm, Chi cục, Thanh tra trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 1.226 lớp tập huấn, 5 cuộc mít tinh với 50.000 lượt người dự bao gồm nội dung tuyên truyền về Luật Thủy sản, Luật Hợp tác xã, Nghị định của Chính phủ về tổ hợp tác, Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần chuyển biến nhận thức, hành vi, nâng cao ý thức tự giác của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hạn chế vi phạm pháp luật ở nông thôn. Tuy nhiên, công tác “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” còn gặp những khó khăn như: Trình độ hiểu biết về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số phần nào còn chưa được quan tâm. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở chưa được tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, hình thức tuyên truyền thiếu sinh động. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm, tập trung đúng mức. Kinh phí, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được phân bố kịp thời; đa số cơ quan chủ trì thực hiện các tiểu đề án lồng ghép vào các nội dung khác hoặc sử dụng kinh phí của cơ quan thực hiện. Kết quả người dân được tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo báo cáo từ các đơn vị, địa phương vượt so với đề án. Tuy nhiên, cần có thời gian khảo sát, đánh giá toàn diện, trong đó, so sánh tình trạng vi phạm pháp luật ở nông thôn, trước và sau triển khai đề án ở từng đối tượng cụ thể mới đánh giá được hiệu quả, sự thay đổi hành vi của người dân một cách toàn diện. 


Đồng chí Lê Thành Trí phát biểu chỉ đạo tổng kết Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật

cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2009-2012

Phát biểu góp ý tại Hội nghị tổng kết Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” giai đoạn 2009-2012. Đồng chí Sơn Pô - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Châu Thành cho rằng, qua 3 năm thực hiện Đề án, nhận thức về pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa phong phú, đội ngũ tuyên truyền viên còn thiếu và yếu, chưa được tập huấn về kỹ năng tuyên truyền.

Đồng chí Lê Thành Trí nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận nghiêm túc, những mặt làm được và chưa được của Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó. Về đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền hiện nay, phải thừa nhận còn thiếu và yếu, nên thời gian tới cần nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ tư pháp, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia phổ biến pháp luật tại cơ sở như những nhóm nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Nội dung tuyên truyền thời gian qua cũng chưa đa dạng, cần đổi mới mạnh mẽ, nhưng phải phù hợp với từng đối tượng và địa phương. Củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động lực lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Phải đảm bảo kinh phí hoạt động và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

KN

Theo:soctrang.gov.vn

[TT:TĐL]