Bảo Lâm: Chọn vấn đề trọng tâm để tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật

28/10/2013 Lượt xem: 506 In bài viết

* Kinh phí cho công tác tuyên truyền còn hạn chế

Huyện Bảo Lâm là một trong 4 địa bàn kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, có diện tích rộng, địa hình chia cắt, dân số đông và trong đó có nhiều dân mới nhập cư đồng bào dân tộc thiểu số… chính vì vậy thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của huyện được chú trọng. Qua đó góp phần tích cực trong việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. 


"Sân khấu hóa" là một hình thức tuyên truyền pháp luật phổ biến ở vùng sâu. Ảnh: Bùi Trưởng

Theo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPHPBGDPL) huyện Bảo Lâm: Thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư TW Đảng và Luật Phổ biến, giáo dục Pháp luật năm 2012, Nghị quyết 61 của Chính phủ cùng các quyết định, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh…, Huyện Bảo Lâm xác định công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Trong các lĩnh vực của công tác PBGDPL, huyện Bảo Lâm chú trọng chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về phòng chống tham nhũng. HĐPBGDPL huyện phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, phổ biến Luật Phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo cho các chức danh Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban giám sát đầu tư cộng đồng 134 thôn, tổ dân phố, cán bộ tư pháp với 146 người tham gia. Đồng thời cấp phát tài liệu, đề cương hướng dẫn nội dung, nghiệp vụ cho cán bộ để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền ở cơ sở. Các đơn vị có nhiều cố gắng triển khai thực hiện nên đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đồng thời hạn chế những sai phạm, khuyết điểm, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, mua sắm, đầu tư công, công tác cán bộ, giải quyết các chế độ, chính sách, đền bù giải phóng mặt bằng, tín dụng… Các cơ quan Phòng Tài chính, Thanh tra huyện xây dựng kế hoạch và thực hiện các cuộc thanh tra trách nhiệm, thanh tra kinh tế xã hội, quản lý sử dụng ngân sách, kinh phí, tài chính của một số xã, thị trấn, ngành giáo dục. Một số trường hợp, cơ quan lồng ghép thực hiện việc quán triệt, hướng dẫn các quy định của pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực, nội dung thanh tra cho các đối tượng. Phòng Nội vụ huyện thông qua việc phối hợp với HĐPBGDPL huyện tổ chức lớp tập huấn, phổ biến Luật Cán bộ, công chức, viên chức cho gần 150 người tham dự. Phòng Giáo dục huyện lồng ghép thực hiện công tác phổ biến, quán triệt các nội dung quy định về phòng chống tham nhũng trong đợt bồi dưỡng hè cho cán bộ quản lý giáo viên.

Cũng từ đầu năm nay, Thường trực HĐPHPBGDPL Bảo Lâm đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện ban hành kế hoạch triển khai tuyên truyền, phổ biến và lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và xác định là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của năm 2013. Đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa xã hội và hiệu quả lớn nhằm động viên, thuyết phục nhân dân, các tầng lớp xã hội phát huy lòng yêu nước, vai trò trách nhiệm đối với đất nước. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về pháp luật cũng như yêu cầu chấp hành pháp luật, tạo sự thống nhất trong nhân dân, nâng cao tính đồng thuận trong xã hội. Mặt khác, cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, chống đối, phá hoại của thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Trong triển khai, huyện hướng dẫn cụ thể cách làm, nội dung cần quan tâm đối với từng đối tượng; thông qua hội nghị lấy ý kiến góp ý, góp ý bằng văn bản; thông qua hội thảo, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức đoàn thể, Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp là nơi thu nhận rộng rãi ý kiến của mọi đối tượng.

Trên lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, triển khai Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Lao động, Hội đồng PBGDPL huyện phối hợp với Sở Tư pháp mở lớp tập huấn, phổ biến lồng ghép các bộ Luật cho cán bộ, công chức, viên chức, công chức Tư pháp - hộ tịch xã, thị trấn, đại diện các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời biên soạn, cấp phát tài liệu, đề cương, nội dung, hướng dẫn tập huấn cho các lớp tập huấn ở cơ sở.

Công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục được chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như trợ giúp lưu động, tư vấn bằng miệng, tư vấn bằng văn bản cho các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm trợ giúp pháp lý tư vấn và trợ giúp pháp lý 9 đợt với 252 lượt người được giúp đỡ trên các lĩnh vực thực hiện các chế độ chính sách ở các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Tân, Lộc Nam. Các xã làm tốt công tác này là thị trấn Lộc Thắng, các xã Lộc An, Lộc Phú, B’Lá, Lộc Thành, Lộc Quảng, Lộc Ngãi, Lộc Nam. Hoạt động hòa giải luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể quan tâm. Hiện toàn huyện có 102 tổ hòa giải với 557 hòa giải viên. Các tổ hòa giải tiếp nhận 168 đơn thư, đã hòa giải thành 72 trường hợp, chuyển cấp trên 37 đơn thư, đang giải quyết 59 trường hợp.

Theo đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch HĐPHPBPL Bảo Lâm: Từ đầu năm đến nay, Hội đồng chú trọng lựa chọn những vấn đề trọng tâm của địa phương để tuyên truyền như: ATGT, cải cách hành chính, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuyên truyền về Luật Cư trú, quy chế dân chủ ở cơ sở, thu chi ngân sách, luật nghĩa vụ quân sự… Hình thức tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật của các cấp, các ngành; qua tiếp xúc cử tri... Trên thực tế, các ngành cũng đã vào cuộc PHPBGDPL một cách đồng bộ. Thời gian qua, ngành Tòa án huyện thụ lý 446 vụ án, giải quyết 418 vụ (đạt 93,7%); án hình sự 87 vụ, đạt 100%. Bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, năm 2013 tập trung xử nghiêm 12 vụ án về giao thông, phá rừng trái phép, mua bán và sử dụng ma túy xử ở các địa phương để tăng cường công tác giáo dục tại cơ sở. Trong xét xử các vụ án dân sự, nhất là các vụ liên quan tới hôn nhân gia đình, ngành chú trọng phương châm kiên trì tuyên truyền, hòa giải đối với 186/203 vụ, hòa giải thành 65%. Hội Nông dân phối hợp tuyên truyền các luật cho 13.000 lượt người, trợ giúp pháp lý cho gần 800 lượt người. Theo Liên đoàn Lao động huyện, công tác tuyên truyền, hòa giải cơ sở cần chú trọng vai trò người có uy tín, chú trọng công tác tiếp dân, vai trò người đứng đầu gắn với thực hiện NQTW 4 (khóa XI), việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Do chú trọng công tác PHPBGDPL nên thời gian qua, trên địa bàn Bảo Lâm không xảy ra các điểm nóng giảm, không có khiếu kiện đông người, giảm vi phạm pháp luật về rừng; nhân dân yên tâm sản xuất, hưởng ứng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy đạt một số kết quả song công tác PHPBGDPL vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. Đó là: Chương trình, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật chưa phong phú, đa dạng; một số cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL hạn chế về trình độ nên thực hiện nhiệm vụ chưa có sức thuyết phục cao, chưa sâu rộng. Đội ngũ làm công tác PBGDPL nói chung và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nói riêng còn thiếu về số lượng; chưa có thù lao đãi ngộ thỏa đáng. Đặc biệt, kinh phí cho quá trình tiến hành PBGDPL còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu (mỗi năm chỉ được cấp 100 triệu đồng) nên việc thực hiện các đề án, kế hoạch công tác đạt kết quả chưa cao.

Bình Nguyên

Theo:baolamdong.vn

[TT:TĐL]