Kinh nghiệm tuyên truyền pháp luật ở Con Cuông
20/11/2013 Lượt xem: 1591 In bài viếtLà huyện biên giới khó khăn của tỉnh với 70% người dân tộc thiểu số, 9/13 xã thuộc diện khó khăn, tình hình an ninh trật tự xã hội, an ninh biên giới diễn biến phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Trong những năm qua, Công an huyện Con Cuông đã có nhiều hình thức, biện pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thạch Ngàn là xã nghèo của huyện Con Cuông, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nằm ở khu vực giáp ranh các với huyện Anh Sơn, Tân Kỳ và Quỳ Hợp. Cả xã có gần 5.800 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai chiếm hơn 70%, sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Trong những năm qua, Thạch Ngàn nổi lên là điểm nóng về tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn. Trong vòng 10 tháng, ở xã Thạch Ngàn có 11 người chết vì đâm chém nhau, tai nạn hoặc tự tử gây hoang mang trong nhân dân. Trước tình hình đó, Công an huyện Con Cuông đã cử lực lượng âm thầm bám bản cùng với cán bộ của UBND huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rằng chỉ những kẻ trực tiếp gây án mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hoàn toàn không có chuyện trả thù nhau bằng “luật rừng” như người dân vẫn tưởng. Sự xuất hiện đúng lúc, kịp thời của các cán bộ, chiến sĩ và chính quyền địa phương xã Thạch Ngàn đã khiến tình hình sớm ổn định trở lại.
Trong một thời gian dài, ở Thạch Ngàn nổi lên hiện tượng các nhóm thanh niên sau khi xô xát, gây gổ đánh nhau nhưng không trực tiếp đến công an tố cáo, nạn nhân không viết đơn đề nghị giám định thương tật. Thay vào đó, các đối tượng tự đến nhà, thỏa thuận và thương lượng với nhau bằng tiền khiến cơ quan công an không có cơ sở khởi tố vụ án nhằm đưa kẻ gây án ra pháp luật. Trước thực trạng đó, Công an huyện Con Cuông đã thí điểm hình thức giám định tại chỗ bằng cách sau khi có sự việc xô xát xảy ra, Công an huyện phối hợp, tham mưu thành lập tổ giám định đến ngay bệnh viện hoặc nhà nạn nhân để giám định tại chỗ. Nếu đủ điều kiện sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa các đối tượng gây án ra trước vành móng ngựa để vừa răn đe, vừa tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.
Để Thạch Ngàn thực sự bình yên, Công an huyện Con Cuông đã phát động phong trào “Toàn dân tố giác tội phạm” tại các “bản nóng” gồm Thạch Sơn, Kẻ Gia, Kẻ Trai. Từ phong trào này, hàng chục đối tượng sai phạm đã được người dân tố cáo với cơ quan công an, những biển hiện của tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, bài bạc vì thế mà cũng được ngăn chặn kịp thời,… Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự vào cuộc một cách nỗ lực của chính quyền địa phương và cơ quan công an, tình hình an ninh trật tự ở Thạch Ngàn đã ổn định trở lại. Nhận thức pháp luật của người dân được nâng cao một cách rõ rệt.
Các điểm nóng khác trên địa bàn huyện Con Cuông như Mậu Đức, Yên Khê, Lam Khê, Bồng Khê, Bình Chuẩn cũng đang dần “hạ nhiệt” nhờ sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Con Cuông. Giữa năm 2013, Công an huyện phát động phong trào “Toàn dân tham gia giải quyết địa bàn phức tạp về trật tự xã hội”. Các nội dung của phong trào này được cụ thể hóa tại các thôn, bản bằng nhiều hình thức khác nhau như: mở các hòm thư tố giác tội phạm, thành lập các câu lạc bộ tuyên truyền phổ biến pháp luật, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau và tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số. Tiêu biểu như: CLB “Phòng chống bạo lực gia đình ở bản Kẻ Gia (xã Thạch Ngàn); CLB “Lá chắn” ở Đôn Phục; CLB “Phòng chống tội phạm” ở Thị trấn Con Cuông...
Thông qua những hoạt động đó, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 407 đối tượng có các hành vi sai phạm như trộm cắp, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ vũ khí tự chế, sử dụng ma túy được Công an huyện Con Cuông phát hiện và có những biện pháp giáo dục, răn đe. 30 đối tượng buôn bán, tàng trữ chất ma túy đã bị khởi tố bị can, 162 đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt giữ,… Quan trọng hơn, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng người dân “tự xử rồi tự thỏa thuận” không còn. Anh Kha Văn Minh - Trưởng Công an xã Bình Chuẩn cho biết: “Thời gian gần đây, nhận thức pháp luật của bà con có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều người dân đã đứng ra tố cáo các hành vi sai trái của trưởng bản, giúp lực lượng công an triệt phá các ổ trộm cướp và bắt giữ 2 đối tượng buôn bán ma túy liều lĩnh trong xã”.
Từ thực tiễn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện Con Cuông, một bài học thực tiễn được đưa ra là muốn thành công thì phải gần dân, hiểu dân, tôn trọng phong tục tập quán của bà con dân bản và có các hình thức lồng ghép, tuyên truyền một cách hợp lý. Làm thực chất, hiệu quả thực tiễn thay vì chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền qua khẩu hiệu. Đại tá Nguyễn Đức Hùng - Trưởng Công an huyện Con Cuông cho biết: “Trong thời gian tới, các chiến sĩ công an huyện sẽ tiếp tục nỗ lực bám làng, bám bản, “3 cùng” với bà con nhân dân, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con nhân dân bằng những hình thức phong phú và những việc làm cụ thể. Sau khi đã nâng cao được nhận thức cho bà con thì hình thức tuyên truyền cũng sẽ có sự thay đổi bằng cách tăng cường nêu gương sáng, những nhân tố điển hình, những kinh nghiệm tốt về việc chấp hành pháp luật và phòng, chống tội phạm của các cá nhân trong cộng đồng, từ đó tạo ra sức lan tỏa sâu hơn, rộng hơn”.
Nguyên Khoa-Nguồn: Báo Nghệ An (5/11/2013)
Theo:nghean.gov.vn
[TT:TĐL]