Tổng kết Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

28/05/2013 Lượt xem: 2177 In bài viết

Thực hiện Quyết định số 554/TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số”, những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiến hành xây dựng mạng lưới tuyên truyền về Đề án, lồng ghép và đa dạng hóa hình thức tổ chức phổ biến pháp luật phù hợp với từng địa phương, đối tượng khác nhau nhằm đưa pháp luật đến với người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính từ năm 2009 đến năm 2012, các địa phương đã tổ chức gần 1.500 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng tuyên truyền và cung cấp tài liệu và kiến thức pháp luật cho trên 93.000 lượt cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, công tác tuyên truyền pháp luật tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa. Trong đó, 91,7% đồng bào dân tộc thiểu số đánh giá nhận thức và tình hình chấp hành pháp luật, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân sau khi được phổ biến pháp luật đã tốt hơn so với trước kia.

Bên cạnh đó, với lực lượng tuyên truyền viên cơ sở đông đảo cùng với hàng triệu tờ gấp, sổ tay pháp luật, băng đĩa tuyên truyền đã được biên soạn, phát hành đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, qua đó hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật.

Đặc biệt, qua quá trình tuyên truyền phổ biến pháp luật đã có nhiều mô hình thí điểm ra đời và hoạt động có hiệu quả như: câu lạc bộ "Phụ nữ dân tộc với pháp luật" của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; mô hình thí điểm thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn tại 10 xã: Tân Thành, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang, Hà Giang); Đồng Vương, Chiến Thắng (huyện Yên Thế, Bắc Giang); xã Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ) và xã Phúc Thọ (huyện Nghi Lộc, Nghệ An); xã Vĩnh Châu, Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng), Long Trạch (huyện Cần Đước) và Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, Long An)…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án cũng còn không ít tồn tại. Nguyên nhân là do công tác phối hợp thực hiện hoạt động của Đề án ở địa phương chưa tốt, còn chồng chéo, hạn chế; thành viên Ban chỉ đạo ở địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên có biến động về nhân sự. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án chưa đảm bảo về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực trình độ và hoạt động kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện. Đáng chú ý, chỉ có 35/63 tỉnh, thành ban hành quyết định phê duyệt Đề án, nhiều địa phương không có báo cáo kết quả, không thành lập Ban chỉ đạo...

Để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2012 - 2016, Đề án phấn đấu 70% người dân nông thôn sẽ được phổ biến về các quy định pháp luật trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; 60% đồng bào dân tộc thiểu số tại 1.848 xã đặc biệt khó khăn và 69 huyện nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tuyên truyền, phổ biến pháp luật; 100% cán bộ hội nông dân và 50% cán bộ ấp, thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những vướng mắc, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Đề án. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Đề án, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, cần đa dạng hoá, đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để lồng ghép các chương trình tuyên truyền thông qua các hình thức phù hợp cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Phạm Hằng

Theo: dangcongsan.vn

[TT:TĐL]