Hội thi Tìm hiểu pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai

19/07/2012 Lượt xem: 592 In bài viết

Đ/c Sơn Phước Hoan, PCN UBDT trao giải và phần thưởng cho các đội thi

Dự Hội thi có các đồng chí: Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng ban Tổ chức Hội thi; Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch TW Hội LHPNVN; Bùi Văn Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; Măng Đung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đại diện: Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục An ninh Tây Nguyên; Lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk; lãnh đạo Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo 15 Sở, ban ngành, Lãnh đạo 17 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo 16 Phòng dân tộc trong tỉnh; Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân của 16 xã cùng 160 thí sinh của 16 đội thi thuộc 16 xã của 8 đơn vị: huyện KBang, huyện Chư Prông, huyện Đức cơ, huyện Chư Păh, huyện Krông Pa, huyện Phú Thiện, huyện Đăk Đoa và TP Pleiku.

Tham dự và cổ vũ hội thi còn có gần 300 khách mời là cán bộ của Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, học sinh của trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, đoàn viên, thanh niên của Tỉnh đoàn, 30 nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Đam San.

Phát biểu khai mạc Hội thi, Phó Chủ nhiệm Sơn Phước Hoan khẳng định: Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện tích cực, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhận thức về pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao. Nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động tìm hiểu pháp luật để không vi phạm, hiểu đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều; khó khăn về đời sống, kinh tế, trình độ dân trí thấp, chưa có điều kiện để tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, ít quan tâm đến pháp luật. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thực sự phát huy tính hiệu quả, chúng ta cần xác định đúng nội dung và đa dạng hoá hình thức. Nội dung tuyên truyền cần cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành, những nhiệm vụ trọng tâm của từng thời điểm nổi lên ở các địa bàn, những vấn đề bức xúc gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, những văn bản pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…. Hình thức tuyên truyền cần phong phú, đa dạng. Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng sân khấu hoá là một trong những hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, đưa được nội dung pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số một cách sinh động, dễ hiểu, phản ánh thực tế cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Các đội mang đến Hội thi không chỉ kiến thức pháp luật, mà còn cả những khối sắc màu với những biểu tượng văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Chính vì vậy, Ban Tổ chức khuyến khích các đội thể hiện các nội dung cuộc thi dưới hình thức văn hóa truyền thống. Với ý thức tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, sự chuẩn bị công phu, các đội đã mang đến Hội thi những màn chào hỏi rất ấn tượng dưới các hình thức như độc tấu, vè, trình diễn cồng chiêng để gói một lượng thông tin về con người, truyền thống văn hóa của mảnh đất Tây nguyên.

Không dàn trải mang tính chất đánh đố, phần thi lý thuyết xoay quanh việc tìm hiểu các luật: Hôn nhân và Gia đình, Phòng chống ma túy, Bảo vệ và phát triển rừng, Biên giới quốc gia, Giao thông đường bộ, Phòng chống bạo lực gia đình, Phòng chống mua bán người; Pháp lệnh dân số, Bình đẳng giới và tiêu chí nông thôn mới và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là hệ thống các văn bản pháp luật có ý nghĩa thiết thực với đồng bào các dân tộc.

Các đội đã thể hiện xuất sắc phần thi lý thuyết với những kiến thức pháp luật cơ bản, đặc biệt là liên hệ với thực tế tại địa phương mình. Luật Hôn nhân và Gia đình được liên hệ với các hủ tục như nối dây, chia tài sản theo truyền thống, bất bình đẳng giới; Luật Bảo vệ và phát triển rừng được liên hệ với tình trạng phá rừng làm nương rẫy phổ biến. Việc xử lý sai phạm cụ thể với việc áp dụng các điều luật…

Một phần thi cũng hấp dẫn không kém là phần giao lưu với khán giả gồm 8 câu hỏi về Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, chính sách cử tuyển, Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ cũng đã được khán giả tham gia sôi nổi.

Sau hơn 2 ngày tranh tài, Hội thi đã khép lại với thành công đáng ghi nhận, Ban Tổ chức đã trao tặng 1 giải xuất sắc trị giá 4 triệu đồng cùng cờ lưu niệm và 1 tivi siêu phẳng 29 inch cho xã Hà Tây, huyện Chư Păh; 1 giải nhất trị giá 3 triệu đồng cùng cờ lưu niệm và 1 ti vi siêu phẳng 29 inch cho xã Ia Ke, huyện Phú Thiện; 6 giải nhì cho các xã Tơ Tung - huyện KBang, xã Biển Hồ - TP Pleiku, xã Ia Siêm - huyện Krông Pa, xã Ia Vê - huyện Chư Prông, xã K Dang - huyện Đắk Đoa, xã Ia Dom - huyện Đức Cơ; 5 giải ba và 3 giải khuyến khích đều được phần thưởng xứng đáng kèm theo cờ và 01 ti vi màu siêu phẳng 21 inch.

Cũng tại Hội thi Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc và TW Hội LHPNVN đã trao 05 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 05 học sinh đã có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện của Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai.

Phan Tuấn