Một số nguyên nhân và kinh nghiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
17/07/2012 Lượt xem: 728 In bài viếtTrong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trên địa bàn các tỉnh đều triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhất là hệ thống đường giao thông và các khu công nghiệp, theo đó là việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và phải di dời nhiều hộ dân.
Từ thực tế trên các cơ quan quản lí nhà nước ở các cấp, các ngành đã ban hành nhiều quyết định hành chính có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Song trong quá trình triển khai thực hiện đền bù, giải toả, nhiều nơi làm chưa đúng chính sách, thiếu công khai dân chủ, thậm chí có tham nhũng, tiêu cực. Chính quyền nhiều nơi chưa chỉ đạo tập trung giải quyết kịp thời, đôi khi còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy. Nhiều trường hợp giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, xử lý vi phạm, chưa nghiêm minh. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến số vụ khiếu kiện tăng nhiều trong những năm vừa qua và phát sinh những vụ khiếu kiện đông người, gây bức xúc. Về phía người khiếu kiện, một số người do không hiểu chính sách, pháp luật, khiếu kiện thiếu cơ sở căn cứ, vượt ra ngoài qui định của pháp luật, nhưng vẫn cố chấp “được thua” hoặc do bất mãn, cố tình không chấp hành quyết định giải quyết có lý có tình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Một số biểu hiện cụ thể như: khiếu nại có hành vi vượt quá giới hạn, thậm chí vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền khiếu nại có hành vi quá khích, coi thường kỷ cương pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội, khiếu nại vượt cấp tràn lan khá phổ biến, ở các địa phương. Từ thực tiễn cho thấy, đối với thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước và các cấp chính quyền trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân phải theo sát tình hình cơ sở, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu kiện và đề ra được những chủ trương, giải pháp đúng đắn, tập trung giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Muốn làm được như vậy cần chú ý mấy điểm sau đây:
Cần tổ chức tốt việc nắm thông tin, có chế độ báo cáo từ cơ sở, có hệ thống từ các cấp, các ngành, các đoàn thể. Mặt khác nghiên cứu, phân tích các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân, theo dõi xử lý, phản ánh kịp thời cho lãnh đạo, khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền trong khi giải quyết khiếu nại, tố cao của công dân.
Đơn thư khiếu nại, tố cáo cần được kiểm tra, thanh tra, làm rõ đúng sai khi xem xét, không chỉ nghe cán bộ cơ sở mà phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, thu thập nhiều nguồn thông tin để phân tích, chắt lọc, đánh giá tình hình thật khách quan, chính xác. Nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời, qua đó có thể ngăn chặn không để phát sinh thành “điểm nóng”. Biện pháp xử lý phải bình tĩnh, thận trọng, khách quan, không nóng vội, không định kiến và không được để vụ việc trở nên phức tạp.
Kiên trì, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng, phát huy dân chủ, dựa vào dân để giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân. Phương pháp xử lý cơ bản là giáo dục, vận động thuyết phục quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng không thể đơn giản chỉ dùng mệnh lệnh hành chính, biện pháp hành chính để áp đặt cho đối tượng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, vận động quần chúng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi xảy ra “điểm nóng”, đòi hỏi phải thực hiện theo phương châm: “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc”. Phải có lý lẽ xác đáng, có sức thuyết phục cao, tranh thủ tình cảm, tâm lý, tôn trọng bản sắc văn hoá của các dân tộc, đồng thời đi sâu tuyên truyền giáo dục, thuyết phục từng người, từng nhà, từng thôn làng ấp bản, tranh thủ sự đồng tình của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chỉ có hiệu quả một khi đi liền với hành động thực tế, theo phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Sửa chữa việc làm sai chính sách, pháp luật, xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm đáp ứng những yêu cầu chính đáng của nhân dân.
Chăm lo xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở. Mọi khiếu nại, tố cáo trước hết phải được giải quyết từ cơ sở. Muốn vậy phải xây dựng đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, phải nắm vững chính sách, pháp luật, đoàn kết nhất trí, gắn bó với quần chúng là yếu tố quan trọng bậc nhất, để giải quyết khiếu nại tố cáo có hiệu quả, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ làm công tác dân tộc, hiểu biết về nghiệp vụ công tác dân tộc, phương thức công tác dân tộc. Đối với những vụ khiếu nại, tố cáo có sự tuyên truyền kích động của phần tử xấu, phải tuyên truyền vận động quần chúng, kết hợp đấu tranh, phân hoá cô lập những phần tử này.
Đối với cán bộ, đảng viên bị quần chúng khiếu tố về tiêu cực, tham nhũng, mất dân chủ thì phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận rõ đúng sai, xử lý nghiêm minh những người có sai phạm và công bố công khai với dân. Chỉ như vậy mới lấy lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền cơ sở, thay thế những người cơ hội bè phái, thoái hoá biến chất, bổ sung những đồng chí có năng lực, phẩm chất tốt, được quần chúng tin yêu để đội ngũ cán bộ cơ sở thật sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy và là hạt nhân đoàn kết lãnh đạo quần chúng, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.
Kiên quyết xử lý theo pháp luật những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây rối, vi phạm pháp luật, không để kẻ xấu, các thế lực thù địch lợi dụng kích động lôi kéo những quần chúng lạc hậu chống đối không chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cơ sở.
Thủ trưởng các cấp, các ngành phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn bám sát cơ sở, thực hiện nguyên tắc công khai dân chủ, công bằng. Khi có khiếu kiện giải quyết ngay tại thôn làng bản ấp, nơi xảy ra khiếu kiện.
Các tổ chức thanh tra nhà nước phải chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp uỷ và chính quyền, thường xuyên kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng, cấp dưới trong việc tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và việc chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo của cấp trên. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra viên về tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực tế cho thấy đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn do trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, hầu hết đơn thư khiếu kiện gửi không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, gửi vượt cấp lên các cơ quan Trung ương và cơ quan Uỷ ban Dân tộc. Vì vậy cơ quan tổ chức, cá nhân, khi tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải thường xuyên hướng dẫn đồng bào, hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia khiếu nại, tố cáo, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Quyền khiếu nại, tố cáo là quyền của con người và quyền công dân được pháp luật bảo vệ. Giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời đúng chính sách pháp luật sẽ góp phần tăng cường và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.
Nguyễn Hữu Giảng (Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc)