Triển khai đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông.
02/07/2013 Lượt xem: 660 In bài viếtCũng như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao khác, người Mông ở Thanh Hóa vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất.
Từ thực tế việc tổ chức tang lễ của các gia đình vùng đồng bào Mông hiện nay vẫn còn lưu giữ một số hủ tục lạc hậu không phù hợp với nếp sống văn hóa mới như: Bắn súng thông báo khi có người chết; người chết không được bỏ vào quan tài ngay mà để người chết nằm trên cái “neeg tuag” từ 3 đến 7 ngày - tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên; giết nhiều trâu, bò, lợn, gà để người chết “mang” đi theo về thế thế giới bên kia. Phần lớn đồng bào vẫn còn giữ quan niệm: Nếu có người thân chết mà bỏ vào quan tài là trái với tục lệ, sau khi chôn cất, tổ tiên sẽ gây phiền hà cho những người đang sống như bệnh tật, ốm đau và làm ăn sẽ lụi bại... Một số người chết là người đã mắc bệnh, trong đó vi khuẩn, vi trùng sẽ phát tán và có thể lây lan dịch bệnh; mặt khác, nếu để người chết lâu trong nhà (nhất là để trần – không đưa vào quan tài), xác chết sẽ bị phân hủy, chảy nước, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh: Ruồi nhặng đậu vào xác chết rồi lại đậu vào thức ăn, khách đến viếng có thể hít phải mùi hôi thối từ người chết, việc bị lây truyền dịch bệnh là không thể tránh khỏi!
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành, huyện Mường Lát và các đơn vị liên quan, Ban Dân tộc tỉnh đã tiến hành khảo sát xây dựng “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đây là việc làm hết sức cần thiết, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; lựa chọn, giữ gìn và phát huy những phong tục, giá trị văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong tang lễ, từng bước xây dựng nếp sống văn hoá mới bền vững; góp phần cùng toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường sống và sức khoẻ cho đồng bào, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Mông. Đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2181/QĐ-UBND ngày 25/6/2013. Nội dung Đề án chia làm 2 giai đoạn: + Giai đoạn 2013 - 2015: Tập trung triển khai thực hiện mô hình điểm tại xã Pù Nhi (huyện Mường Lát). Hoàn thành việc quy hoạch và xây dựng nghĩa địa; đường giao thông cho 7 bản Mông xã Pù Nhi; đến năm 2015 có: Trên 50% số người chết được khâm liệm và đưa vào quan tài trong thời gian khoảng 6 -12 giờ sau khi chết và chôn cất tại nghĩa địa tập trung của thôn bản. Thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ (tính từ khi chết); 100% Già làng, Trưởng dòng họ, Trưởng bản, người uy tín có văn bản cam kết thực hiện theo đúng nội dung Đề án được duyệt; 100% bản xây dựng được qui ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ. + Giai đoạn 2016 - 2020: 100% đám tang toàn vùng được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL về qui định thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ; các thôn bản có nghĩa địa tập trung và có đường giao thông từ bản đi ra nghĩa địa thuận lợi đi lại cả 4 mùa trong năm theo đúng quy hoạch về xây dựng nông thôn mới;100% bản đạt danh hiệu bản văn hóa; gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí cho một số mục tiêu nhiệm vụ và hoạt động tuyên truyền cụ thể như: Quy hoạch hệ thống nghĩa địa cho 7 bản mô hình điểm; kinh phí cho nhân dân lao động thủ công làm đường giao thông từ thôn bản đến nghĩa địa; hỗ trợ thôn bản, và gia đình tổ chức tang lễ; kinh phí cho việc tham quan, tập huấn tuyên truyền cho người dân… Hiệu quả thiết thực của Đề án là – nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân vùng đồng bào Mông; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang theo các chỉ thị, văn bản hướng dẫn qui định của Nhà nước và của tỉnh. Đồng thời, hiệu quả Đề án gắn liền với công cuộc XĐGN, phát triển KTXH, và mục tiêu cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Việc thay đổi một quan niệm, tập quán (thói quen) đòi hỏi cần có thời gian, thậm chí hàng thế hệ; đặc biệt, việc tuyên truyền vận động thay đổi một số tập tục lạc hậu trong tang ma vùng đồng bào Mông - là lĩnh vực nhạy cảm - nên quá trình thực hiện chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Dưới sự đạo sát sao của UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ hiệu quả của nhiều cấp ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư… Hy vọng “Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” sẽ nhanh chóng đi vào đời sống xã hội vùng đồng bào Mông của tỉnh với những thành công tốt đẹp nhất.
Quốc Bảo
Nguồn: thanhhoa.gov.vn
[TT: TBC]