Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng cao tỉnh Yên Bái gắn với phong tục tập quán thôn, bản, xã
10/07/2013 Lượt xem: 451 In bài viếtTừ bao đời nay, thôn, bản, xã là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Việt Nam với đại đa số là nông dân. Sức hút của thôn, bản, xã truyền thống cực kỳ lớn và ảnh hưởng của nó vô cùng sâu đậm, ngay cả khi nền kinh tế phát triển cao, thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và trong bối cảnh hiện nay thôn, bản, xã vốn là chủ thể quan trọng chi phối các sinh hoạt văn hoá và đời sống kinh tế - xã hội của người nông dân. Dù ở cương vị nào, sống ở đâu, dù sinh trưởng ở thành phố hoặc sinh cơ lập nghiệp ở xa tổ quốc, mỗi người Việt Nam đều gắn bó ít nhiều với yếu tố tâm lý, phong tục tập quán nơi thôn, bản, xã của mình. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từng đơn vị tụ cư nơi thôn, bản, xã đã hình thành nên những giá trị truyền thống quý giá, những phong tục tập quán riêng trong đời sống kinh tế- xã hội của mình.
Những hình thức phong tục tập quán đa dạng và phong phú được thể hiện rất rõ trong tư tưởng, tình cảm trong tư duy, lối sống, cách ứng xử của mỗi một cộng đồng người nhất định được hình thành trong lịch sử, đã trở thành một nếp sống ổn định và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục tập quán là một hiện tượng tâm lý- xã hội, là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người và được thể hiển ra bên ngoài qua các hình thức lao động sản xuất, qua tục lệ cưới xin, tang ma, thờ cúng, lễ hội...nó có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội của mỗi người nói chung, mỗi người dân tộc vùng cao nói riêng. Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng của mình. Phong tục tập quán là những thói quen trong suy nghĩ, ứng xử của cộng đồng; là khuôn mẫu, quy tắc chi phối hành vi của thành viên trong cộng đồng và được hình thành trong quá trình phát triển của xã hội. Phong tục, tập quán tồn tại dưới dạng quy ước, hương ước, quy định điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cộng đồng, tính cưỡng chế của nó được thể hiện thông qua sự tác động về mặt dư luận, niềm tin, tín ngưỡng của cá nhân, của cộng đồng xã hội, được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (tuyên truyền miệng hoặc thành văn) như: Lệ làng, hương ước và hương ước là sự dung hoà về quyền lợi giữa nhà nước và thôn bản, giữa luật tục và pháp luật, quy ước thôn bản ở những vùng nông thôn, hoặc luật tục ở các vùng dân tộc thiểu số, với những đặc thù riêng của nó. Phong tục tập quán thôn, bản xã là một thể loại văn hoá phi vật thể và thông qua phong tục tập quán thôn bản ta có thể nhận biết nề nếp sinh hoạt, quan niệm sống, thói quen, cách tư duy, ứng xử của một cộng đồng dân cư vùng. Đồng thời qua các phong tục tập quán thôn bản phần nào hiểu rõ quá trình vận động, phát triển của văn hoá nông thôn theo từng vùng miền, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và giá trị của nó được kết tinh trong cộng đồng xã hội, được cộng đồng xã hội nuôi dưỡng, bồi đắp qua thăng trầm của lịch sử thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển. Từ những nội dung trình bày nêu trên cho ta thấy được tầm quan trọng của phong tục, tập quán trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc, vùng cao nhằm kế thừa và phát huy mặt tích cực nhưng sự kế thừa đó phải bảo đảm tính kế thừa có chọn lọc, phát huy cái độc đáo, cái đặc sắc, cái riêng biệt những giá trị văn hoá - xã hội đã được khẳng định suốt chiều dài lịch sử, dân tộc; đồng thời phải đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Mặt khác cũng cho chúng ta thấy mặt hạn chế và khắc phục tiêu cực của phong tục tập quán thôn, bản để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc ngày một tốt hơn.
Trong những năm qua lực lượng Kiểm lâm được xác định là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý bảo vệ rừng đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng, có trách nhiệm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng. Là cơ quan thừa hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã cùng Chi hội Luật gia Chi cục Kiểm lâm phối hợp tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật bảo vệ và phát triển rừng nói riêng với các nội dung: Luật bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua ngày 14/12/2004, Luật Đa dạng sinh học; các văn bản dưới luật: Các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng; về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; về PCCCR; về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các lọai rừng; về quản lý thực vật, rừng động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; các Quyết định của Chính phủ về quy chế quản lý rừng, về sửa đổi, bổ sung một số điều trong quyết định 661... các văn bản của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ... Phương pháp tuyên truyền phổ biến, giaó dục pháp luật Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, báo chí, phim ảnh ...và gắn với phong tục tập quán của thôn, bản, xã như giáo dục trong gia đình, dòng họ, trưởng bản, già làng, người có uy tín trong dòng họ, các tổ chức dân cư, hội nghề nghiệp... thông qua hoạt động văn hoá, lễ hội, văn nghệ, xây dựng hương ước, quy ước đã xây dựng được 4.250 quy ước bảo vệ rừng, các quy ước đều gắn với các quy định của Pháp luật do đó quy ước bảo vệ rừng đã thành “lệ” của thôn bản hướng mọi người dân trong thôn bản cùng nhau thực hiện, xây dựng quy chế làng văn hóa, bưu điện văn hóa xã. Có thể nói các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú và đa dạng, cho đồng bào dân tộc vùng cao đã tác động tích cực đến nhận thức và hành vi đến từng người, từng gia đình nông thôn. Ý thức pháp luật và hiểu biết pháp luật của của nhân dân được nâng cao, người dân vùng cao tiếp nhận được chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước tiếp cận được với khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến phục vụ sản xuất; đồng thời các mối quan hệ liên kết thôn, bản, xã ngày càng được củng cố, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng cao có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với “thế giới bên ngoài thôn, bản” rừng được bảo vệ và phát triển đưa độ che phủ rừng từ 56,9% năm 2009 lên 59,2% năm 2010 góp phần vào sự nghiệp quản lý rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế của Tỉnh nói chung. Để làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục phát luật cho đồng bào vùng cao trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề xuất một số giải pháp sau đây:
1. Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với các loại hình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:
Vai trò của cấp uỷ Đảng chính quyền là hết sức quan trọng. Đây vừa là vấn đề nguyên tắc vừa là khâu then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật. Cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xây dựng kế hoạch cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong mọi lĩnh vực, mỗi hoạt động của địa phương, hình thành hệ thống chân rết tại các cụm dân cư, thôn, bản. Chỉ đạo và định hướng chặt chẽ, cụ thể hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp, tăng cường xây dựng và quản lý, giao dục cán bộ, đảng viên, đội ngũ tuyên truyền viên và đôi ngũ cán bộ đoàn thể coi đó là nòng cốt là hạt nhân của các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Hàng quý, hàng năm cấp uỷ đảng, chính quyền cần có kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá ý nghĩa, nội dung và hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng cao.
2.Tuyên truyền giáo dục nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc vùng cao và đổi mới nội dung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật:
Trong thời kì đổi mới ở nước ta, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu do vậy việc nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa cho đồng bào dân tộc vùng cao có vai trò to lớn. Nâng cao trình độ dân trí và trình độ văn hóa trong phạm vi dạy và học của nhà trường, tuy là một hình thức cơ bản nhưng chỉ dành cho thế hệ trẻ, còn trình độ dân trí và văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao ở thôn, bản phụ thuộc vào tuyên truyền giáo dục của xã hội, đoàn thể, gia đình và các kênh thông tin đại chúng mà đồng bào dân tộc vùng cao này mới tiếp thu được tri thức, kinh nghiệm của nhiều nơi. Đặc biệt là những thông tin về đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước hiện hành mà họ cần biết, cần bàn bạc và thực hiện; đồng thời phản hồi được tất cả, nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc ở các vùng. Nhu cầu thông tin, nhu cầu hiểu biết của đồng bào dân tộc vùng cao là rất cần thiết như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Do vậy cần phải đổi mới công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nội dung và loại hình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đều phải hướng tới phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế,. Điều đáng lưu ý là tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với phong tục tập quán của thôn, bản, xã vận dụng các quy luật tâm lý, đặc điểm tâm lý của các loại đối tượng, từng vùng nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc vùng cao và tạo sự hấp dẫn đối với họ. Mặt khác hạn chế mặt tiêu cực, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
3. Tăng cường cơ sở vật chất, chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật:
Thời đại ngày nay là thời đại của thông tin, của khoa học- kỹ thuật hiện đại, nhiều vấn đề nảy sinh và biến động liên tục, do vậy đề nghị Tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí theo hướng hiện đại hóa có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn để công tác tuyền truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có thể tiếp cận được với thông tin mới của thế giới, với văn minh của nhân loại để có điều kiện chuyển tải kịp thời chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến từng người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyền truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có kiến thức về tâm lý, dân vận khéo thuyết phục nhân dân và có năng lực tổ chức nhiệt tình say xưa với các hoạt động phong trào gắn với phong tục tập quán của thôn, bản.
4. Về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng::
Phải nắm chắc ba giải pháp nêu trên để vận dụng sáng suốt vào điều kiện thực tiễn trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo vệ động vật rừng và đa dạng sinh học. Hiện nay, nhà nước đã có nhiều Luật, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị như đã nêu ở phần trên và luôn thường xuyên bổ sung, sửa đổi. Do vậy lãnh đạo chi cục, Chi hội luật gia Chi cục Kiểm lâm, cơ quan pháp chế của chi cục, các phòng ban nghiệp vụ thường xuyên nghiên cứu, học tập, tổng hợp để nắm bắt kịp thời các quy phạm pháp luật để hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ toàn lực lượng và tăng cường tuyên truyền thật sâu rộng cho nhiều đối tượng được nghe để không ngừng nâng cao nhận thức cho nhân dân. Phải nghiên cứu, biên soạn các văn bản pháp luật có liên quan, thành một tài liệu tuyên truyền cụ thể theo từng mảng công vịêc, ngắn gọn, dễ hiểu, minh hoạ bằng hình ảnh, phiên dịch ra tiếng Mông, tiếng dân tộc khác để mọi người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Không được truyền đạt chung chung, công thức theo những từ ngữ khoa học, khó hiểu đối với nhận thức của người dân đặc biệt là người dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không được cao. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật quản lý bảo vệ rừng nói riêng, cán bộ kiểm lâm phải thường xuyên bám sát cơ sở chính quyền để lồng ghép đăng ký thời lượng cho mình tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng ở cơ sở,tuyên truyền phổ biến pháp luật phải gắn với phong tục tập quán thôn, bản, với đời sống của nhân dân và cán bộ công nhân viên chức. Do vậy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đòi hỏi phải thường xuyên và kiên trì, không nên nóng vội "mưa dầm thấm lâu" có như vậy công tác này mới đạt hiệu quả cao để không ngừng nâng cao cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Lãnh đạo Chi cục, Hội luật gia Chi cục luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra thường xuyên, coi đây là một tiêu chí thi đua khen thưởng và là nhiệm vụ chuyên môn các phòng nghiệp vụ cần phải thực hiện; Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các tuyên truyền viên, dành kế hoạch kinh phí để xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở và có phụ cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật. Có như vậy mới tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phát triển ổn định. Tóm lại: Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng cao đòi hỏi phải có sự đồng bộ của các cấp, các ngành kết hợp giữa phát triển kinh tế với hoạt động văn hoá – xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, có sự phối hợp chặt chẽ của đoàn thể nhân dân, xây dựng đời sống kinh tế, nâng cao dân trí cho nhân dân. Đó là nhân tố đảm bảo quyết định cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng cao tỉnh Yên Bái đạt hiệu quả cao.
Nguyễn Quang Vinh
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm
Nguồn:kiemlamyenbai.gov.vn
[TT: TBC]