Một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật cho đồng dân tộc thiểu số.

23/06/2016 Lượt xem: 2729 In bài viết

Ảnh minh họa.

Các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển không đồng đều. Ở Trung du và miền núi phía Bắc, các cư dân ở vùng thấp như Mường, Thái, Tày, Nùng sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước và nương rẫy, chăn nuôi gia súc và gia cầm, có một phần hái lượm, săn bắn, có nghề thủ công khá tinh xảo. Các dân tộc thiểu số ở phía Nam sống biệt lập hơn. Trừ người Chăm, Hoa và Khơ Me sống ở vùng duyên hải miền Trung, Nam Bộ có trình độ phát triển cao hơn. Phần lớn các dân tộc còn lại ở Tây Nguyên sống theo tổ chức buôn - làng, kiếm sống dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung, tự cấp. Tất cả các nhóm dân tộc đều có nền văn hóa riêng biệt và độc đáo. Tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc cũng khác biệt.

Chính vì tập quán sinh sống, văn hóa, tín ngưỡng khác nhau và trình độ dân trí còn thấp nên việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, miền núi và vùng dân tộc thiểu số, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý:

Thứ nhất, tình hình biến động dân cư tương đối lớn, người địa phương không tiếp thu và nắm bắt các quy định của pháp luật, không cải thiện nơi mình sinh sống, dẫn đến tình trạng di dân tự do từ vùng cao thiếu đất sản xuất và đất đai đã bạc màu, đời sống khó khăn đi đến chỗ có điều kiện sinh sống tốt hơn.

Thứ hai, tranh chấp ruộng đất, mua bán ruộng đất xảy ra phổ biến ở các địa phương, phần lớn giải quyết về đất đai ở vùng này là theo luật tục chứ không theo luật pháp. Số đồng bào du canh, du cư không có đất đai ổn định để sản xuất, đồng bào Khơ Me Nam Bộ có đến 6% số hộ không có đất sản xuất do nghèo đói đã cầm cố, sang nhượng hết; tình trạng tảo hôn, vi phạm các quy định về hôn nhân gia đình chiếm tỉ lệ lớn và giải quyết theo tục lệ trái với quy định của pháp luật...

Thứ ba, một vài năm gần đây tà đạo đã phát triển vào một số dân tộc như “Vàng Chứ” phát sinh ở một số vùng của đồng bào Mông, tà đạo Hà mòn phát sinh ở khu vực Tây nguyên và một số dân tộc khác, nếu không ngăn chặn có thể phá vỡ sự bền vững của văn hoá, chính trị đất nước.

Thứ tư, một số tệ nạn xã hội như: Nghiện hút, uống nhiều rượu, cờ bạc... vẫn còn tồn tại và một số nơi có chiều hướng tăng lên. Diện tích trồng thuốc phiện tuy đã bị đẩy lùi đáng kể, nhưng vấn đề này không đơn giản, nếu chủ quan sẽ rất có thể phát triển trở lại rất nhanh.

Tại Điều 5, Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Để thực hiện điều này, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm, trọng điểm. Chính vì vậy việc nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề cấp bách và cần thiết nhất hiện nay. Để làm được điều đó cần đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số, xác định đây là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên phải đổi mới các phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với điều kiện địa phương.

Hai là, tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật mạnh cả về số lượng và đảm bảo về chất lượng, có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội, am hiểu tâm lý, tập quán, ngôn ngữ của từng dân tộc, của giới (nên sử dụng người địa phương) cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng; cụ thể gắn với các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Ba là, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp cho đồng bào dân tộc dễ nghe, dễ nhớ dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kiến thức về giới, bình đẳng giới, phát triển kinh tế, chính sách xã hội…, tránh sự trùng lặp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc biên soạn nội dung và tổ chức tuyên truyền cho đồng bào.

Bốn là, tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở bằng việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kiến thức xã hội liên quan đến phong tục, tập quán của người địa phương cho trợ giúp viên, hòa giải viên; in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật (biên dịch ra tiếng dân tộc thiểu số) kèm theo các đợt trợ giúp pháp lý cho đồng bào.

Năm là, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết, vì vậy cần dành một khoản kinh phí để duy trì và phát triển thường xuyên hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số được kịp thời.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.)