Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

22/05/2013 Lượt xem: 552 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Vĩnh Thạnh có 8 xã, 1 thị trấn, với 57 thôn, làng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, do đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về pháp luật luôn được chú trọng. Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian qua với sự nhiệt tình, sáng tạo, Hội Luật gia huyện đã từng bước thu được những kết quả khả quan.

Bà con làng K2, xã Vĩnh Sơn dự họp làng.

Hiện hội đã có 10 chi hội với 83 hội viên, nhờ chủ động mở rộng đối tượng vào Hội nên công tác tuyên truyền theo đó cũng gặp nhiều thuận lợi. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức tuyên truyền lưu động tại 31 điểm làng với trên 1.700 lượt người tham dự, nội dung tuyên truyền gói gọn về Luật Giao thông đường bộ; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đặc biệt Hội chú trọng đến vấn nạn tự tử đang diễn ra phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ những cuộc tuyên truyền lưu động, người dân đã biết đến vai trò của Hội nên chủ động đến nhờ Hội tư vấn, giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống. Đơn cử như trường hợp của vợ chồng anh Đinh K. và chị Đinh Thị H., ở làng 5, xã Vĩnh Thuận, do anh K. thường xuyên uống rượu lại còn chửi bới, đánh đập vợ con, chị H. khuyên mãi không được nên hai vợ chồng luôn mâu thuẫn và căng thẳng với nhau. Thay vì tìm đến cái chết để giải thoát như một số người khác, chị H. tìm đến Hội và nhờ tư vấn để cứu vãn hạnh phúc gia đình, bởi theo chị H.: “Mình đến nhờ cán bộ khuyên răn chồng, chứ tự tử là sai, là có tội với những người thân của mình, người ta tuyên truyền như thế mà”.

Một trong những điểm mạnh của Hội Luật gia Vĩnh Thạnh là đã phát triển hội viên đến từng thôn, làng, nhờ đó công tác tuyên truyền, vận động cũng được nâng lên đáng kể. Như vào trung tuần tháng 4 vừa qua, thay vì tổ chức họp làng vào ban đêm để có đông bà con đến dự như mọi khi, thì hôm ấy, làng K2, xã Vĩnh Sơn tổ chức họp buổi sáng. Tuy vậy, từ 7 giờ, bà con đã tập hợp đông đủ tại nhà rông của làng để nghe trưởng thôn và già làng thông báo những công việc của làng và nghe cán bộ của Hội Luật gia huyện phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Giao thông đường bộ. Nhiều người chấp nhận gác việc nương rẫy để đi họp, vì “đi họp làng nghe thông báo các chỉ thị, quy định mới biết được cái nào sai mà tránh chứ, không đi thì sao hiểu được mà làm”, Bok Đinh Cân nói. Còn anh Đinh Văn Bưu làm nhà để ra riêng, tuy gia cảnh còn khó khăn, nhưng thay vì vào rừng chặt trộm cây thì gia đình anh đã vay mượn thêm tiền để mua gỗ về làm, vì: “Lần họp làng nào cũng nghe tuyên truyền không được tự ý chặt cây khi chưa có sự đồng ý của người quản lý. Mình vi phạm thì sẽ bị kiểm điểm trước làng, xấu hổ lắm”.

Ông Hồ Văn Nên, Chủ tịch Hội Luật gia huyện, cho biết: “Công tác vận động, tuyên truyền còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, tuy nhiên, chúng tôi luôn đề cao nhiệm vụ của Hội nên ngoài việc phối kết hợp với các hội đoàn thể trong huyện, chúng tôi còn chủ động mở rộng hội viên, đến từng thôn, làng, tự tổ chức tuyên truyền lưu động đến bà con, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho bà con, giúp bà con thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm để cuộc sống được tốt hơn”.

Kiều Anh

Theo: baobinhdinh.com.vn

[TT:TĐL]