Qua 03 năm tuyên truyền phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2009 - 2012)
25/09/2013 Lượt xem: 599 In bài viếtLà một trong những tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính sự nghiệp; trong đó có 09 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố. Theo thống kê niên giám năm 2011, Dân số toàn tỉnh 1.303.662 người; trong đó dân tộc Kinh 837.450 người, chiếm 64,23 %, dân tộc Hoa 65.453 người, chiếm 5,02%, dân tộc Khmer 400.333 người, chiếm 30,70%. Các dân tộc cư trú đan xen trên địa bàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số của tỉnh chiếm rất đông, chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp nên việc nắm bắt thông tin pháp luật, kiến thức xã hội, các tiến bộ của khoa học kỹ thuật… còn nhiều hạn chế.
Thực hiện Quyết định số 286/QĐ-UBND, ngày 19/11/2009 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2009 đến 2012 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Ban Dân tộc đã tổ chức triển khai cho tất cả cán bộ, công chức làm công tác dân tộc ở các phòng dân tộc huyện, thị, thành phố và các cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các ấp, khóm, xã, phường, thị trấn…và các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh; đồng thời cùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tư pháp và các Sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch và biên dịch tài liệu tuyên truyền về công tác dân tộc và chính sách dân tộc để triển khai thực hiện Tiểu Đề án 2 “Về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Ban Dân tộc tỉnh được giao nhiệm vụ chỉ đạo hệ thống ngành dọc ở địa phương tổ chức triển khai thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân các dân tộc thiểu số (đặc biệt là đồng bào Khmer).
Đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật
Các hình thức, biện pháp phổ biến pháp luật chủ yếu được áp dụng ở tỉnh Sóc Trăng là thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo, đài… của tỉnh, thông qua các chuyên mục phổ biến giáo dục pháp luật, giải đáp pháp luật. Đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tivi, radio thì được áp dụng phương pháp tuyên truyền miệng. Hình thức này được tập trung vào các dịp lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tại các chùa chiền, phum sóc, trường Dân tộc nội trú, hội thao, hoạt động văn hóa văn nghệ nơi có nhiều đồng bào đến dự. Ngoài ra, còn phối hợp các ban ngành hữu quan hàng năm cung cấp sách, báo, tạp chí pháp luật, tạp chí Dân tộc và Miền núi, tờ gấp, tờ rơi có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào; một số tủ sách pháp luật được xây dựng tại địa phương và 92 chùa Khmer, các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phục vụ cho sư sãi, cán bộ, học sinh, đồng bào nghiên cứu tìm hiểu pháp luật…
Từ năm 2009 đến năm 2012, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được 16 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách dân tộc cho 2.493 lượt người, trong đó có các vị sư sãi, ban quản trị chùa, cán bộ, đồng bào dân tộc Khmer, Hoa và người có uy tín đến dự. Ngoài ra, Đơn vị còn phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư Pháp, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và huyện, thành phố cấp phát tài liệu pháp luật Việt - Khmer cho các chùa và xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Luật đất đai 266 cuốn; Luật Hôn nhân - Gia đình 2.266 cuốn; Luật Phòng chống Bạo lực gia đình 371 cuốn; Luật Khiếu nại - Tố cáo 742 cuốn; Luật Bảo vệ môi trường 389 cuốn; Luật Giao thông đường bộ 389 cuốn và tờ gấp pháp luật về Khiếu nại, tố cáo 24.000 tờ (Một số điều cần biết về quy chế tiếp công dân 8.000 tờ, Một số điều cần biết về quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại 8.000 tờ, Một số điều cần biết về tố cáo và giải quyết tố cáo 8.000 tờ)... một số báo, tạp chí theo quyết định 975 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 2472 của Chính phủ) đến tận các chùa chiền, trường học, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Hàng năm cấp phát trên 18 loại báo, tạp chí, chuyên đề với số lượng trên 709.208 tờ báo, tạp chí. Đặc biệt trong năm 2011, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc tổ chức thành công “Hội thi tuyên truyền pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số”, quy tụ 10 đội dự thi có khoảng 70 diễn viên, tuyên truyền viên ở phum, sróc trên địa bàn các huyện: Trần Đề, Vĩnh Châu, Châu Thành đã đem đến cho người xem nhiều chương trình phong phú đa dạng, xung quanh những vấn đề về pháp luật có liên quan đến đời sống của bà con.
Họp mặt tuyên truyền phổ biến pháp luật
Ban Dân tộc quan tâm phát triển tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer trong các điểm chùa với số lượng 350 tuyên truyền viên. Năm 2012, Ban Dân tộc phối hợp với Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức 01 lớp tuyên truyền trong đồng bào dân tộc, tôn giáo cho các vị sư sãi, đồng bào Khmer, Hoa và người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với 500 lượt người dự; phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức 05 đợt cho 900 lượt người gồm các vị sư sãi, tăng sinh, cán bộ giảng viên trường BTVH PaLi Trung cấp Nam Bộ, đồng bào Khmer, Hoa, kinh và người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (bao gồm Thị xã Vĩnh Châu, huyện Long Phú, Thạnh Trị, Trần Đề và Trường BTVH PaLi Trung cấp Nam Bộ); Phối hợp với Trường Cán Bộ Dân tộc tổ chức một lớp tập huấn về công tác dân tộc cho 11 tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ có 64 học viên tham dự (gồm có Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Long An, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh , Trà Vinh, Hậu Giang).
Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua chủ yếu là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Các nghị quyết, nghị định liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi, bộ luật dân sự, bộ luật hình sự, luật đất đai, luật khiếu nại tố cáo, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật phòng chống ma túy, luật hôn nhân và gia đình, luật phòng chống tham nhũng lãng phí…
Qua 03 năm thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong địa bàn tỉnh theo Quyết định số 286/QĐ-UBND, ngày 19/11/2009 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2009 đến 2012 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm pháp luật ở địa phương. Người dân ổn định về mặt tư tưởng, vững lòng tin vào Đảng, Bác Hồ, yên tâm phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình, phát huy tính dân chủ cơ sở, thực hiện phương châm dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, loại bỏ mê tín dị đoan và các tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân và tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Qua kết quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đại biểu lắng nghe triển khai các văn bản của báo cáo viên; giúp cho đại biểu luôn có ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào luôn có ý thức chấp hành pháp luật, không vi phạm Luật bảo vệ môi trường, không phá rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn ở vùng ven biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn môi trường. Triển khai cho đại biểu về Pháp luật Dân số, không sinh con thứ 3, không ép hôn nhân, tảo hôn …Đồng thời, giúp cho đại biểu hạn chế lãng phí trong việc cưới hỏi, ma chay, lễ hội …
Đại biểu tham dự hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật
Mặc dù trong thời gian qua, các cấp lãnh đạo của tỉnh Sóc Trăng rất quan tậm đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tạo mọi điều kiện cả về cơ sở vật chất đến các phương tiện để các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện nhưng công tác phổ biến giáo dục ở một số nơi còn chưa đạt được kết quả như mong muốn, văn bản pháp luật, sách, báo, tạp chí… được cung cấp đến người dân có nơi còn chậm trễ. Nơi nào được cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, giải thích cho người dân thì nơi đó đời sống văn hóa, xã hội, an ninh trật tự có bước phát triển rõ rệt. Một số nơi do hoàn cảnh địa lý ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông không thuận tiện, đời sống người dân còn khó khăn không có điều kiện tự trang bị phương tiện nghe, nhìn; mặt khác kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn hẹp, đội ngũ báo cáo viên pháp luật chưa đủ, trình độ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đặt ra nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.
Để thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục trong thời gian tới, Ban Dân tộc với tư cách là cơ quan chỉ đạo ngành dọc ở địa phương, đã đề ra phương hướng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm tổ chức ít nhất là 7 đợt phổ biến pháp luật cho cán bộ, sư sãi, Ban Quản trị chùa, gia đình có con em là phật tử tu tại chùa, đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, người có uy tín trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phát huy chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường số lượng văn bản quy phạm pháp luật, sách, báo tạp chí theo Quyết định 2472 của Chính phủ, đồng thời Ban Dân tộc tỉnh cần được sự quan tâm hơn nữa của các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt sự quan tâm của UBND tỉnh, Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong việc tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và cấp kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật để Ban Dân tộc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giai đoạn 2013 - 2016.