Nghệ An: PBGDPL cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

01/10/2013 Lượt xem: 631 In bài viết

Xác định muốn thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết, trước hết phải củng cố, mở rộng lực lượng tham gia thực hiện công tác PBGDPL. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ổn định ở địa phương và thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng làm công tác PBGDPL cho đội ngũ này. Các lực lượng đoàn thể như trưởng thôn, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân, học sinh, bộ đội biên phòng ... đã tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần lớn trong việc tuyên truyền PBPL cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Nội dung các văn bản được lựa chọn để tuyên truyền liên quan trực tiếp đến thẩm quyền quản lý Nhà nước, đời sống của cán bộ, nhân dân ở nông thôn và miền núi. Chú trọng tuyên truyền các văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như quyền bầu cử, ứng cử, nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, nghĩa vụ bảo vệ tài sản quốc gia, nghĩa vụ đóng thuế, lao động công ích; chính sách định canh, định cư, chính sách phát triển kinh tế mới, giao đất, giao rừng; xây dựng làng bản văn hoá, xoá bỏ hủ tục lạc hậu...

Với nhiều hình thức phổ biến pháp luật có hiệu quả, trong đó tập trung cao cho tuyên truyền miệng. Thông qua việc mở các lớp tập huấn, tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, thời sự và pháp luật đã tuyên truyền hàng ngàn văn bản pháp luật cho đội ngũ cán bộ cốt cán từ tỉnh đến cơ sở để đội ngũ này thực hiện nhiệm vụ PBGDPL ở đơn vị mình và cho cán bộ cốt cán cấp xã, Trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư. Trong 10 năm, Nghệ An đã tổ chức được hơn 3.000 buổi tuyên truyền miệng với hàng trăm ngàn lượt người nghe. Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện trên sóng phát thanh và truyền hình thông qua những chuyên mục hấp dẫn như: Câu chuyện pháp luật, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật, pháp luật và cuộc sống, bạn hỏi Luật gia trả lời. Ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã đều có chương trình, chuyên mục phổ biến pháp luật trên sóng truyền thanh, truyền hình. Hiện nay toàn tỉnh có 390/478 xã, phường, thị trấn có mạng lưới truyền thanh, các xã, phường đã lồng ghép dành thời gian nhất định 1 ngày/ lần, từ 10 đến 15 phút để tuyên truyền các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách mới. Tập san chuyên ngành Pháp luật và Đời sống của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã phát hành hơn 100.000 cuốn với nhiều chuyên đề cấp phát về tận khối xóm, thôn, bản. Hình thức biên soạn tờ rơi, tờ gấp cũng được áp dụng có hiệu quả, đã in và phát hành được hơn 50.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật, được phát hành rộng rãi đến thôn, bản và cơ sở; hơn 3000 cuốn cẩm nang pháp luật cấp phát cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đồng bào dân tộc; 30.000 cuốn Sổ tay pháp luật về các nội dung cơ bản của các văn bản luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân miền núi và trình tự, thủ tục thực hiện.

Công tác PBGDPL cũng được thực hiện thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Phòng chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; Phụ nữ với cuộc sống gia đình và nuôi dạy con cái; phụ nữ 3 đảm đang; tìm hiểu Luật Bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống cháy rừng; thi băng hình về an toàn giao thông; thi viết về dân số, trẻ em; thi Hoà giải viên giỏi; “Tuyên truyền viên An toàn giao thông”, “Tìm hiểu Luật Đất đai 2003”, “Toàn dân phòng chống ma tuý”, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật...Các cuộc thi đã được đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực từ đó góp phần nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.

Ngoài ra các hình thức tư vấn pháp luật miễn phí thông qua công tác trợ giúp pháp lý, sinh hoạt văn hoá truyền thống, hòa giải tại cơ sở, lồng ghép vào các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, các buổi họp của thôn, xóm, khu phố, tổ tự quản, hợp tác xã, tổ liên doanh vay vốn, sinh hoạt chi tổ Hội của hội viên nông dân... đã trực tiếp đưa pháp luật đến với người dân.

Đặc biệt để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các huyện miền núi, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 07/2005/QĐ-UBND ngày 13/01/2005 về việc ban hành Đề án tăng cường công tác PBGDPL cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2005 đến năm 2010. Hàng năm Hội đồng PBGDPL tỉnh được cấp kinh phí để triển khai công tác tuyên truyền và chỉ đạo kiểm tra cơ sở; Hội đồng PBGDPL 11 huyện, thị xã miền núi cũng được cấp kinh phí trung bình 1,5 tỷ/năm cho hoạt động PBGDPL nên nhân dân và đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa thường xuyên được tuyên truyền PBGDPL.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những bước chuyển biến đáng kể, nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên rõ rệt. Người dân ở nông thôn cũng như đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người nhận thức được những giá trị đích thực của pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, biết sử dụng phương tiện pháp luật trong cuộc sống, tự bảo vệ mình và bảo vệ lợi ích của xã hội, lợi ích hợp pháp của người khác. Củng cố mối đoàn kết nhất trí trong cộng đồng dân cư và ở cơ sở, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật và tình trạng người dân gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp do không hiểu biết pháp luật.
Ghi nhận những kết quả đạt được, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của khu vực miền Trung - Tây nguyên được tổ chức tại Đà Nẵng, Sở Tư pháp Nghệ An vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Tư pháp vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết.

 

Nguyễn Quế Anh, STP Nghệ An

Nguồn moj.gov.vn

[TT: TBC]