Cần coi trọng công tác phổ biến pháp luật ở miền núi - vùng cao
13/12/2013 Lượt xem: 1563 In bài viếtThông qua công tác trợ giúp pháp lý lưu động, cho thấy những đề nghị giải đáp của người dân liên quan đến các quy định của pháp luật về đất đai; Về khiếu nại, tố cáo; về hôn nhân và gia đình…vẫn còn xảy ra và đôi lúc, đôi nơi còn là điểm nóng ở một số địa phương, chứng tỏ rằng những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan đến đời sống nhân dân chưa được phổ biến kịp thời và sâu rộng.
Hơn nữa công tác tuyên truyền còn chạy theo các yêu cầu về thời sự mà bỏ quên tính liên tục, tính nhất quán, tính hệ thống làm cho việc nhận thức về pháp luật của nhân dân ở những vùng này còn bị hạn chế rõ rệt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến có những hành vi vi phạm pháp luật như: tình trạng tảo hôn; trẻ em sinh ra không khai sinh hoặc khai sinh không kịp thời; người chết không được khai tử; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo có nơi, có lúc không đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các đoàn thể, các cấp. Song ở nhiều nơi còn khoán trắng cho Tư pháp – hộ tịch cấp xã, kinh phí đầu tư cho công tác tuyên truyền còn thấp. Việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh công cộng có phát huy tác dụng. Tuy nhiên, trình độ dân trí của bà con ở vùng sâu, vùng xa còn thấp; đời sống còn nhiều khó khăn, còn sử dụng một số phong tục tập quán lạc hậu; sự khác nhau về ngôn ngữ, hiểu, nghe nói tiếng Kinh chưa thông thạo dẫn đến việc tiếp thu các văn bản pháp luật rất khó khăn. Hơn nữa văn bản pháp luật nói chung là khô khan, khó hiểu mà kết quả của nó không thấy ngay. Đưa pháp luật thâm nhập vào cuộc sống đối với đồng bào miền núi, vùng cao, vùng xa quả là bài toán khó đối với những người làm công tác phổ biến pháp luật. Vì vậy, để từng bước khắc phục tình trạng nêu trên theo tôi không phải là chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi cần có sự quan tâm chỉ đạo tích cực hơn nữa của các cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở, đồng thời có sự tự giác chấp hành pháp luật của mỗi công dân và từng hộ gia đình. Song song với việc làm này, cần coi trọng việc bố trí cán bộ có năng lực làm công tác tư pháp và đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở.
Hiện nay ở tỉnh ta đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật ở các xã đã được thành lập và kiện toàn theo thời gian, vì vậy cán bộ làm công tác này cần phải xây dựng cho mình nội dung tuyên truyền như thế nào cho dễ hiểu, thiết thực với cuộc sống hàng ngày, chọn lọc những quy định của các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, chủ động triển khai từng cụm dân cư thôn, làng; kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Nếu chúng ta làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân thì không chỉ đơn thuần giúp dân nhận thức tốt về pháp luật, mà chắc chắn rằng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở ngày càng ổn định và phát triển vững chắc.
Huyền Trân
Nguồn stp.binhdinh.gov.vn
[TT: TBC]