“Chở” pháp luật lên miền núi
13/12/2013 Lượt xem: 1659 In bài viếtTrợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách là một chủ trương hợp lòng dân. Cùng với các lĩnh vực hoạt động tư pháp khác, trợ giúp pháp lý trở thành một kênh quan trọng "xoá nghèo" về nhận thức pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người dân nhất là những người ít có khả năng và điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nhân lên ý nghĩa của hoạt động này có đóng góp đáng kể của các cán bộ và cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Bắc Giang.
Tôi đã nhiều lần đi cùng đoàn cán bộ và cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh Bắc Giang đi trợ giúp pháp lý lưu động ở các xã miền núi thuộc các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế. Chuyến đi nào cũng vậy, thành phần của đoàn trên dưới chục người. Thuỷ, Lan, Loan, Tiến, Tuấn, Chung (cán bộ trung tâm và của Sở), thêm vị luật sư già, cán bộ tư pháp huyện và phóng viên báo thế là chiếc xe MAZDA 12 chỗ vừa đủ ghế ngồi. Từ hai năm nay, vì chưa kiếm được người nên Giám đốc Trung tâm Hoàng Xuân Thường kiêm luôn chân lái xe "bất đắc dĩ". Thường ngày, mấy chàng trai của Sở Tư pháp trông đạo mạo, hiền lành là thế, vậy mà trên xe, kho tiếu lâm không rõ được ai khơi mào, thế là những trận cười nghiêng ngả làm chiếc xe nhiều lúc như muốn bung hết cả cửa kính. Hôm nay cũng thế, cả đoàn được thông báo dậy từ 4 giờ sáng. Thế nhưng chờ nhau mãi hơn 5 giờ xe mới khởi hành được. Đường lên xã vùng cao Thanh Sơn (Sơn Động) đã được cải tạo, nâng cấp, vậy mà chiếc xe vẫn liên tục phải chồm lên, chúi xuống, lắc lư, nghiêng bên này, ngả bên kia. Giám đốc Hoàng Xuân Thường cũng là một kho tiếu lâm nhưng vì bận với chiếc vô lăng, chịu trách nhiệm về "đường lối" và khâu an toàn của cả đoàn nên thi thoảng mới dám góp đôi lời.
Đúng 7 giờ 30, đoàn đến sân trụ sở UBND xã. Cán bộ xã thì đông đủ nhưng nhân dân mới lác đác mươi người. Anh Thường lo lắm. Tổ chức cả một đoàn hàng chục người, chi phí xe cộ, ăn uống, công sức đi lại ... đâu phải nhỏ. Nếu vắng dân bản coi như công không. Giấu nỗi lo, Lan, Loan, Thuỷ kê dọn bàn, chuẩn bị tài liệu; Chung, Hùng, Tiến, Tuấn giúp đoàn xã căng phông, băng rôn, thử lại loa đài chẳng khác nào đội chiếu bóng lưu động. Nhưng nỗi lo ban đầu dần nguôi vì nhân dân đến ngày một đông hơn, gần một trăm người gồm cán bộ thôn bản, người già, thanh niên, phụ nữ... ngồi chật hội trường xã. Nhiều người đến từ các bản xa cách trung tâm xã ngót chục cây số như Mậu, Đồng Thông rủ nhau đi bộ từ sáng sớm cũng đã có mặt. Háo hức nhất vẫn là cánh thanh niên thế nhưng hội trường không đủ chỗ ngồi nên mỗi chi đoàn chỉ được cử 8 người. Không sao. Lắng nghe, ghi chép, thêm chỗ tài liệu được cấp phát là đủ các chuyên đề sinh hoạt trong mấy tháng cho cả chi đoàn vài ba chục người. Rồi từ đây, chi đoàn lại thành lập tổ tuyên truyền phổ biến trong dân bản. Tài liệu đã được chọn lọc đủ các nội dung cần thiết cho người dân ở cơ sở : dân số, hôn nhân - gia đình, bảo vệ rừng, hình sự, dân sự, phòng chống tội phạm, khiếu nại tố cáo, cả những vấn đề liên quan đến lao động và việc làm của thanh niên ... Ai cần tư vấn pháp luật về từng việc cụ thể đã có tổ trợ giúp pháp lý sẵn sàng phục vụ ở một phòng riêng có đầy đủ giấy, bút, phiếu yêu cầu in sẵn mẫu. Hai đoàn viên Triệu Thị Thảo, Đặng Lệ Quyên (cùng sinh năm 1980) ở bản Mậu đang là học sinh Trường THPT Sơn Động III lần đầu tiên được tham dự buổi trợ giúp pháp lý cùng nói: "Ở trường, chúng em cũng có được học môn Giáo dục công dân. Nhưng ở đây, các anh chị nói kỹ, nói sâu hơn, lại có nhiều ví dụ thực tế sinh động nghe hấp dẫn, dễ nhớ. Thanh niên xã em nhiều người muốn đi tìm việc làm ở các tỉnh khác hoặc đi xuất khẩu lao động mà nhiều khi chẳng biết các quy định của Nhà nước thế nào, chỉ sợ bị lừa. Giá gặp được các anh chị thường xuyên thì hay quá". Trong vòng buổi sáng, hơn hai chục người dân trong xã đến hỏi về chế độ đền bù giải phóng mặt bằng, thời hạn giải quyết các khiếu kiện của dân...
Cán bộ và nhân dân cùng học luật
"Giá mà các cuộc trợ giúp lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa được thường xuyên hơn". Điều mà hai cô gái trẻ của bản Mậu nói chẳng phải chỉ là mong ước của riêng dân bản mà đó cũng là mong muốn của tất cả các cán bộ ở Trung tâm. 8 năm trôi qua kể từ khi thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, đã có 4.478 việc với gần 5.000 lượt người được trung tâm tư vấn và bảo vệ quyền lợi miễn phí; 190 cuộc trợ giúp lưu động đến các xã. So với nhu cầu thực tế, con số này vẫn còn quá khiêm tốn nhưng là những con số cực kỳ ý nghĩa với điều kiện còn không ít khó khăn ở địa bàn một tỉnh miền núi như Bắc Giang. Hoạt động miễn phí, mang lại lợi ích cho người nghèo và đối tượng chính sách nhưng không phải lúc nào và ở đâu ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý cũng được nhận thức đúng và được tạo điều kiện cần thiết. Đã thế, các cộng tác viên của Trung tâm hầu hết kiêm nhiệm nên rất khó bố trí thời gian đi trợ giúp lưu động. Nhờ sự năng động của cán bộ trung tâm, nhiều cuộc lưu động được thiết kế trực tiếp với xã mà không cần thông qua phòng tư pháp huyện. Nhưng cũng có nhiều cuộc, đã thông qua phòng rồi mà khi gọi điện về xã, thái độ của cán bộ uỷ ban vẫn hết sức e dè, chỉ thông báo cho cán bộ mà không thông báo rộng rãi cho nhân dân. Họ lo mấy ông bà về trợ giúp lại "khuấy động phong trào khiếu kiện" rồi "lợi bất cập hại" thì phiền. Tuy nhiên ở nhiều xã, sau khi đoàn đã khăn gói về rồi, không những "phong trào" không bị "khuấy động" mà mấy vụ kiện cáo tùm lum dần yên ổn do được tư vấn cách giải quyết hoặc giả người dân có đưa đơn cũng có thái độ "vừa phải" lúc đó cán bộ xã mới "yên tâm".
Ngay từ ngày đầu thành lập, công tác trợ giúp lưu động đã được chú trọng nhưng do thiếu phương tiện nên bị động và không được thường xuyên. Hai năm trở lại đây, tỉnh trang bị cho một chiếc xe, tuy là xe đã qua sử dụng hay trở chứng nhưng như thế cũng đã quý lắm. Chủ động phương tiện, sắp xếp được kế hoạch, liên hệ được với cơ sở là lên đường. Chiếc xe MAZDA trắng thanh lịch là vậy mà trở thành phương tiện "chở pháp luật" lên miền núi xông xáo, hiệu quả chẳng khác nào xe UOAT. Có bận lên Biên Sơn (Lục Ngạn) gặp trời mưa, xe sa lầy phải nhờ người đẩy, công nông kéo mới thoát. Chuyến lên xã Nghĩa Phương (Lục Nam) "thầy trò" thay nhau hì hụi đẩy xe vì đường quá xấu. Lặn lội với cơ sở, đi sớm về tối thành quen, tháng nào không tổ chức đi lưu động được mọi người tự coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Kim Hiếu
Nguồn baobacgiang.com.vn
[TT: TBC]