Bắc Bình với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
18/07/2012 Lượt xem: 585 In bài viếtBắc Bình là huyện nằm dân tộc miền núi của tỉnh Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 184.236 ha, với hơn 113 nghìn dân sinh sống rải rác ở 17 xã, thị trấn (4 xã miền núi).Đây là một huyện gồm nhiều dân tộc anh em như: Kinh, Hoa, Nùng, Tày, K’Ho, Ngái... sinh sống. Nhân dân Bắc Bình có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Toàn huyện có 524 gia đình có công với cách mạng, 694 gia đình liệt sĩ, 771 thương bệnh binh, 105 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 6 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện có 5 địa chỉ văn hóa được xếp hạng di tích quốc gia. Những năm này nhân dân Bắc Bình đang ra sức phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Để thực hiện tốt cuộc vận động này, ngay khi có Nghị quyết TW5 và chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Bắc Bình đã nhanh chóng triển khai quán triệt đến đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt ở các chi, đảng bộ cơ sở, vận động nhân dân học tập hưởng ứng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới.
Nếu như năm 1996, Bắc Bình chỉ có 1 khu phố văn hóa thì đến năm 2003 toàn huyện có 27 thôn, khu phố đăng ký xây dựng thôn, khu phố văn hóa, trong đó có 10 thôn, khu phố đã được tỉnh và huyện công nhận. Nổi bật có thôn Thái Hoà, xã Hồng Thái và Lương Đông, xã Lương Sơn đã được công nhận làng văn hóa 3 năm liền (2000, 2001, 2002). Riêng năm 2002 đã có nhiều thôn bản của đồng bào dân tộc Chăm, K’Ho, Rắc Lây như: thôn 4 (xã Phan Sơn), xã văn hóa Phan Điền, thôn Bình Minh (Phan Hoà), thôn Cảnh Diễn (Phan Thanh)… được công nhận thôn bản văn hóa.
Đến nay, trong huyện đã có 30/36 cơ sở thờ tự đăng ký xây dựng nếp sống văn hóa, trong đó có 14 cơ sở thờ tự đã được công nhận danh hiệu nếp sống văn hóa. Bước đầu có 3 tộc họ đăng ký dòng tộc văn hóa gồm tộc họ Hoàng, họ Hồ và họ Mang. Hiện tại, có 92/102 cơ quan đã được tỉnh, huyện công nhận là đơn vị có nếp sống văn minh. Các cơ quan, đơn vị đạt nếp sống văn minh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, cải tiến lề lối làm việc, quan hệ giải quyết tốt yêu cầu của nhân dân.
Từ khi có Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, huyện đã có quy định, hướng dẫn các làng văn hóa thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ thị này. Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể của huyện đã mở nhiều buổi hội thảo chuyên đề trong việc cưới, tang, lễ hội lồng ghép với các buổi hội diễn văn hóa văn nghệ đến tận địa bàn dân cư, đặc biệt chú trọng đến các vị già làng, trưởng bàn, người đại diện cho tôn giáo mỗi địa phương. Qua đó đã giúp người dân nâng cao hơn nhận thức, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Điển hình như việc cưới, nam nữ thanh niên đúng tuổi quy định mới được đăng ký kết hôn, lễ cưới tiến hành văn minh lịch sự, không còn tệ thách cưới. Lễ cưới ở vùng đồng bào Chăm, đồng bào dân tộc thiểu số Rắc Lây, K’ho giảm hẳn các thủ tục gây tốn kém. Đồng bào dân tộc Chăm Phan Hoà, vào ngày cưới chính quyền địa phương đứng ra tổ chức trao giấy kết hôn và căn dặn những cặp vợ chồng trẻ sống chung thuỷ, hạnh phúc. Các gia đình có người thân qua đời kịp thời báo tử với chính quyền địa phương. Việc tang trong đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ, không còn tình trạng để nhiều ngày như trước. Tang lễ của người Chăm Hồi giáo chỉ để 1 ngày đêm. Đối với người Chăm Bà La Môn đám thiêu không để quá 4 ngày. Những gia đình quá nghèo, không đủ khả năng tự làm đám thiêu, sư cả đứng ra tổ chức nghi lễ cho chôn vĩnh viễn. Đám tang của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Rắc Lây, K’ho đã có nhiều tiết giảm chi phí không cần thiết và chỉ để 24 giờ là địa táng. Cộng đồng người Nùng, Hoa khi có người chết sau 48 giờ tổ chức chôn cất, hạn chế đốt vàng mã, xoá bỏ dần việc báo tang từng nhà. Các lễ hội đình làng của người Kinh, lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm đạo Bàlamôn, lễ hội Ramưwan, Kinh hội của người Chăm Hồi giáo, lễ hội NhôVrêhê (tết đầu lúa của đồng bào dân tộc Rắc Lây, K’ho) và lễ hội Phật bà Quan âm của người Nùng - Hoa hàng năm đều duy trì gắn liền với các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh. Hiện nay, nhiều thôn khu phố trong huyện đã có nhà văn hóa riêng, có 10 điểm bưu điện văn hóa xã, 6 khu vui chơi giải trí…
Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao của huyện trị giá 1,2 tỷ đồng mới được khánh thành và đưa vào sử dụng, sân vận động huyện cũng đang được nâng cấp khán đài chính là điều kiện tốt để thành tích thể thao của huyện tiếp tục vươn xa trong tương lai. Bắc Bình cũng đang đầu tư ngân sách xây dựng 2 nhà văn hóa xã vùng dân tộc, 5 sân khấu ngoài trời để phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân. ở mỗi bản làng, thôn khu phố đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền riêng, đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Các đội văn nghệ thường tổ chức tập luyện, tham gia các hội thi, hội diễn phục vụ kịp thời và có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của huyện, đặc biệt là phục vụ các ngày lễ lớn của dân tộc tại địa phương. Phòng văn hóa thông tin, trung tâm văn hoá thông tin huyện là nơi tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ văn hóa thông tin cơ sở. Các hoạt động thư viện, thông tin tuyên truyền cổ động, phổ biến pháp luật, chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các cuộc giao lưu, hội thảo, hoặc thường xuyên thông qua báo đài truyền thanh của huyện, trạm truyền thanh xã thị trấn và tờ “Thông tin Bắc Bình” phát hành hàng tháng giúp cho đảng viên và nhân dân hiểu biết kịp thời và nghiêm chỉnh thi hành.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Bắc Bình đã phát huy được tinh thần làm chủ, sáng tạo của nhân dân, động viên người dân tham gia một cách tự nguyện vào các hoạt động góp phần xây dựng chính quyền và các đoàn thể ngày càng vững mạnh, giữ gìn trật tự trị an, xây dựng cảnh quan môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội… Những làng được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, huyện người dân ở đó thể hiện rõ tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, tự nguyện cam kết không theo các hủ tục trong việc cưới, việc tang, không có người nghiện ngập ma tuý, cờ bạc… ở các trường học, ngoài nhiệm vụ dạy tốt, học tốt, các thầy cô giáo và học sinh còn tham gia phong trào trồng cây xanh làm sạch đẹp thôn xóm, phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.
Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết TW5 (khoá VIII) và chương trình hành động số 20 của tỉnh Bình Thuận, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc huyện Bắc Bình với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện, hoạt động văn hóa thông tin từ huyện xuống xã, kể cả các xã vùng sâu, vùng xa, đã có những chuyển biến tích cực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, động viên nhân dân xây dựng quê hương Bắc Bình ngày càng văn minh giàu đẹp, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lê Minh Hùng