Trong những năm gần đây, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL) trong nhân dân. Đặc biệt, trú trọng đến đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách...
Trung tâm đã tổ chức phổ biến GDPL bằng các biện pháp như: tư vấn pháp luật, tuyên truyền pháp luật, giải đáp những vướng mắc về pháp luật... theo yêu cầu của nhân dân. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ngãi, hình thức trợ giúp pháp lý lưu động xem ra mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp và dễ đi vào dân nhất. Trung tâm đề ra nội dung, trợ giúp pháp lý có tính đến điều kiện kinh tế-xã hội, phong tục tập quán và trình độ dân trí của từng địa phương. Phối hợp chặt chẽ với UBND, UBMTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, phòng Tư pháp các huyện và Ban Tư pháp xã nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân. Thông báo trên sóng truyền thanh của xã về nội dung, thời gian, địa điểm để các đối tượng có nhu cầu đến tham dự. Trung tâm còn dịch các tài liệu, văn bản pháp luật ra tiếng Hrê, giúp bà con dễ đọc và hiểu sâu về những chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nuớc. Nhờ vậy, trong năm 2005 Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân ở 10/14 huyện, thành phố với tổng số 36 xã, tư vấn 920 vụ... đặc biệt, cử luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho gần 100 trường hợp. Cùng với công tác trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã lồng ghép tuyên truyền những chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hải đảo để mọi người hiểu và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền một số luật như luật đất đai, luật giao thông đường bộ, đường thủy, luật khiếu nại – tố cáo sửa đổi bổ sung, luật bảo vệ và phát triển rừng, luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự, hình sự... cho hơn 15.000 lượt người nghe, cấp phát hơn 10.000 tờ gấp pháp luật, cấp hàng nghìn giấy khai sinh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Qua công tác trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở đã góp phần phát huy quy chế dân chủ cơ sở, nhiều vướng mắc về pháp luật của bà con được tháo gỡ kịp thời; qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xóa bỏ những thói quen, phong tục, tập quán lạc hậu không phù hợp với pháp luật, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội ở địa phương; hạn chế được những khiếu nại, tố cáo không đáng có, tình làng nghĩa xóm được gắn bó hơn. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở phát triển toàn diện và bền vững. Một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật thiết thực là việc xây dựng tủ sách pháp luật. Hiện nay, 14/14 huyện, thành phố có tủ sách pháp luật do Phòng tư pháp huyện quản lý, 100% các xã được trang bị tủ sách pháp luật, các cơ quan, đơn vị đều có tủ sách chung trong đó có sách, báo pháp luật.
Qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến GDPL đã giúp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện theo phương châm “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội./.
Bài và ảnh: Thu Huyền