Giải pháp đột phá để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội ở bon, buôn
18/07/2012 Lượt xem: 512 In bài viếtĐăk Nông là tỉnh mới thành lập từ ngày 1/1/2004, với số dân hiện nay là 390.897 người, trong đó có 135.222 người dân tộc thiểu số, chiếm 34,5%. Về thành phần dân tộc có 31 dân tộc anh, em sinh sống, trong đó có 3 dân tộc tại chỗ là M’Nông, ÊĐê và Mạ. Tỉnh có 6 huyện, 52 xã, thị trấn, 535 thôn, bon, buôn, có 23 xã đặc biệt khó khăn, biên giới được đầu tư Chương trình 135 từ năm 1999 đến nay và 2 xã mới chia tách từ năm 2003.
Cũng như các địa phương khác trên Tây Nguyên, đầu tư của các Chương trình 135, 168,... đã góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội các xã khó khăn. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư có hạn, trong khi cơ sở hạ tầng và đời sống của nhân dân ở các xã có nhiều khó khăn. Các công trình đầu tư trong thời gian qua, tập trung chủ yếu ở trung tâm xã, kết quả là 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hầu hết các xã đều có trạm xá, có điện kéo đến trung tâm. Hiện nay hầu hết các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn chậm phát triển, cơ sở vật chất thiếu, vào mùa mưa giao thông đi lại khó khăn, có nơi xe không vào được đến bon, nhiều bon chưa có trường học,... mặt bằng dân trí còn thấp. Lợi dụng vấn đề này, bọn phản động đã lôi kéo đồng bào theo “Tin lành Đề ga” dụ dỗ và xúi giục đồng bào vượt biên trái phép.
Trước thực trạng nêu trên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đặc biệt là Ban Dân tộc tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ổn định đời sống, phát triển kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc tại chỗ ở Đăk Nông.
Hiện nay, ngoài các chính sách chung của Trung ương đang thực hiện ở Tây Nguyên, tỉnh Đăk Nông còn có chính sách ưu đãi đầu tư riêng cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Trước mắt tập trung vào hai giải pháp đột phá giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội đó là:
Phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp Nhà nước đóng tại địa bàn tỉnh kết nghĩa với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Ngày 24/5/2004, UBND tỉnh đã phân công cho 72 đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 72 bon, buôn. Số bon, buôn còn lại giao cho UBND các huyện phân công cho các ban, ngành của huyện kết nghĩa, không để bon, buôn đồng bào dân tộc tại chỗ không có đơn vị kết nghĩa.
Thời gian tổ chức thực hiện kết nghĩa với các bon, buôn tuy mới nhưng đã phát huy hiệu quả, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua đơn vị kết nghĩa với bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; gắn trách nhiệm của đơn vị kết nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến đồng bào dân tộc, đồng thời vạch rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch cho nhân dân biết, để đấu tranh, ngăn ngừa, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đơn vị kết nghĩa cùng với bon, buôn tìm ra những thuận lợi, khó khăn, để đề ra các giải pháp thích hợp trong xoá đói giảm nghèo, từng bước phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, việc kết nghĩa đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức gần với dân hơn, có có hội nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào từ đó đề xuất để cùng với Đảng, Nhà nước xây dựng và thực hiện tốt các chính sách dân tộc.
Tập trung thực hiện thí điểm Dự án phát triển bền vững 12 bon, buôn đồng bào dân tộc tại chỗ đặc biệt khó khăn.
Tỉnh đã chọn 12 bon, buôn dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để thí điểm lập dự án đầu tư trước. 12 bon, buôn này có tổng số hộ là 1.298 hộ, 7.044 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ là 905 hộ với 5.455 khẩu, số hộ nghèo là 463 hộ, chiếm tỷ lệ 35,67%. Mục tiêu của các dự án này là đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, giảm hẳn số hộ đói nghèo và phát triển bền vững bon, buôn. Tập trung chính vào 3 nội dung là kinh tế, xã hội và môi trường. Giao cho Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, thực hiện dự án trong 2 năm (2004-2005), nguồn vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh, mức vốn dự kiến khoảng 1 tỷ đồng/bon.
Các giải pháp mang tính đột phá trên sẽ giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Hy vọng, trong thời gian tới các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đăk Nông sẽ khởi sắc, cùng với Tây Nguyên vững bước vào thế kỷ XXI.
Đào Văn Sự