Đặc thù chung của tệ nạn buôn lậu và gian lận thương mại tại Lào Cai thời gian gần đây là từ những vụ buôn lậu trên quy mô lớn chuyển sang buôn bán nhỏ lẻ. Để rồi sau đó hình thành nên các điểm tập kết hàng lậu số lượng lớn phía sâu trong nội địa trước khi chuyển ra thị trường tiêu thụ.
Phương thức ngày càng tinh vi
Hoạt động của các đối tượng buôn lậu mấy năm trở lại đây nhìn chung vẫn dựa vào dòng chảy, địa hình hai bên bờ sông Hồng, sông Nâm Thi và lợi dụng ban đêm để luồn lách chuyển hàng vào sâu nội địa. Đối với các đường dây buôn lậu, chúng tổ chức người canh gác, theo dõi những động tác tuần tra của lực lượng chức năng, sử dụng điện thoại di động (bằng mạng viễn thông Trung Quốc) để liên lạc với nhau và điều khiển hoạt động buôn lậu từ xa. khi có động tĩnh nguy hiểm, các đối tượng buôn lậu sẵn sàng mang hàng ngược lại điểm xuất phát hoặc huy động đông người tẩu tán hàng thật nhanh. Để vận chuyển dễ dàng, chúng tổ chức xé lẻ hàng, thuê cư dân ven biên giới sử dụng thuyền nan, mảng, phao vận chuyển hàng qua các khu vực cánh gà cửa khẩu quốc tế mà cụ thể là các điểm Gốc Nhót, Phố Tèo (thành phố Lào Cai), khu vực lối mở Quang Kim, Làng Hang (Bát Xát), khu vực Na Lốc, Cốc Phương (Mường Khương) sau đó mới tập kết hàng tại nhà dân gần đó, chờ thời cơ chuyển sâu vào nội địa. Tuy nhiên, đây chỉ là “vòi bạch tuộc” của các đường dây buôn lậu lớn, điểm tập kết hàng số lượng lớn giờ đây đã chuyển đến các vị trí xa biên giới như khu vực có các nút giao thông thuận lợi của huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, thậm chí là vươn tới tỉnh Yên Bái trước khi chuyển tới các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng.
Tình hình gian lận thương mại cũng có nhiều diễn biến phức tạp hơn trong thời gian gần đây, cửa khẩu Quốc tế Lào Cai không có hiện tượng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lợi dụng chính sách ưu đãi để khai báo sai số lượng, tên hàng hoá khi làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên các ngành chức năng lại khá vất vả với việc kiểm soát tình trạng cư dân biên giới lợi dụng chính sách miễn thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hoá trao đổi, hàng tiêu dùng (Quyết định số 252/QĐ/TTg, ngày 24/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ: cư dân biên giới khi mang hàng qua cửa khẩu có giá trị dưới 500 ngàn đồng không phải chịu thuế) để vận chuyển hàng lậu thuê.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 127 (Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của tỉnh) đã tích cực chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường, thắt chặt việc phối hợp kiểm soát trên các tuyến biên giới và tuyến nội địa. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh đó các ngành chức năng còn tập trung, đẩy mạnh công tác điều tra, bóc dỡ có hiệu quả các tụ điểm, đường dây buôn lậu và gian lận thương mại. nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2006, tổng số vụ buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn được các lực lượng liên quan phát hiện và xử lý lên tới 952 vụ, bằng 166% so với cùng kỳ năm 2005. giá trị khối lượng hàng hoá bị thu giữ và giá trị tiền phạt hành chính các đối tượng vi phạm trong thời gian này lên tới trên 5 tỷ đồng. Tính từ thời điểm đó đến nay, số vụ buôn lậu và gian lận thương mại bị phát hiện và xử lý lên tới trên 800 vụ, giá trị khối lượng hàng hoá bị thu giữ lên tới trên 8 tỷ đồng. Chủng loại hàng lậu và hàng gian lận vẫn chủ yếu là hàng nhập khẩu như hàng dân dụng, hàng điện tử, vật liệu xây dựng, phụ tùng ô tô-xe máy, hàng nông sản-thực phẩm tươi sống...Hàng lậu xuất qua biên giới chủ yếu là gỗ nguyên liệu, quặng kim loại màu. Cũng trong thời gian này nhiều vụ buôn lậu với số lượng lớn đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm minh. Điển hình là: ngày 07/7, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Đồn biên phòng Bản Lầu, Mường Khương phát hiện và tịch thu lô hàng quặng kẽm khoảng 30 tấn với giá trị ước tính 100 triệu đồng chuẩn bị xuất lậu qua Trung Quốc, khi bị phát hiện chủ hàng đã bỏ trốn. Ngày 11/9, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ 1 xe ô tô chở 26 con trâu không rõ nguồn gốc với trị giá lên đến trên 200 triệu đồng. Ngày 30/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý xe ô tô biển kiểm soát 29T - 6386 chở trên 1 tấn nho khô nhập lậu với giá trị ước tính trên 40 triệu đồng...
Để làm tốt công tác chống buôn lậu trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán 2007, Ban Chỉ đạo 127 đã chỉ đạo các ngành chức năng nắm chắc tình hình, chủ động thắt chặt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trên nhiều địa bàn, trong đó tập trung mạnh vào tuyến biên giới; nâng cao sự phối hợp giữa các ngành được phân công nhiệm vụ và giữa các ngành với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại. Có như vậy, tệ nạn buôn lậu và gian lận thương mại mới dần được khống chế.
Bài và ảnh: Đỗ Lam