Sự cần thiết vận dụng luật tục Êđê trong quản lý nhà nước ở tỉnh Đăk Lăk

17/07/2012 Lượt xem: 558 In bài viết

Đội cồng chiêng của các già làng Êđê

ác buôn làng người Êđê phân bố trên toàn tỉnh Đăk Lăk có khoảng cách khá xa đến các trung tâm xã, huyện, tỉnh. Có nhiều buôn ở các huyện CưMngar, KrôngBúk, EaHleo… vào mùa mưa để đến được chỉ bằng cách đi bộ xuyên rừng. Trong điều kiện buôn làng sống biệt lập sâu trong rừng núi, mỗi buôn làng người Êđê như một cộng đồng khép kín, sự cố kết cộng đồng và vận hành ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa của người Êđê luật tục đã và đang có sự chi phối khá lớn. Để tăng cường pháp chế Nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đòi hỏi chính quyền các cấp của tỉnh Đăk Lăk phải tìm ra con đường để đảm bảo quyền lực Nhà nước đến được các buôn làng người Êđê. Một trong biện pháp có hiệu quả cao là thực hiện được việc vận dụng luật tục Êđê trong quản lí Nhà nước ở tỉnh Đăk Lăk.

Yếu tố xã hội đặc sắc của người Êđê là tính cố kết cộng đồng. Có thể nói tính cố kết cộng đồng của người Êđê xuyên suốt trong lao động, chiến đấu, tới sinh hoạt văn hoá, đến các sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Tính liên kết cộng đồng như sợi dây vô hình mà bền chặt kết nối từng cá nhân người Êđê thành một khối đoàn kết thống nhất và gắn bó chặt chẽ. Chuẩn mực làm cơ sở cho quan hệ cộng đồng người Êđê đó chính là luật tục Êđê.

Nguyên nhân trực tiếp để hình thành và duy trì tính cộng đồng là do phương thức lao động sản xuất và sinh sống của người Êđê. Từ xa xưa đến nay, săn bắn, hái lượm còn ảnh hưởng đến đời sống của người Êđê. Trong đó săn bắn của người Êđê là hoạt động nổi trội hơn so với các dân tộc khác. Trong quá khứ người Êđê và Mnông thường săn voi rừng, hổ, lợn rừng… Để công việc săn bắt có hiệu quả đòi hỏi mọi người phải liên kết với nhau. Sự liên kết không chỉ giới hạn trong một buôn mà giữa các buôn để tổ chức các cuộc săn bắt. Trong cuộc mưu sinh đã khiến họ gắn bó ngày càng khăng khít, sự gắn bó này mở rộng đến các mặt hoạt động trong cộng đồng người Êđê. Với không gian sinh sống là các buôn làng người Êđê đã nuôi dưỡng và duy trì giá trị truyền thống về tính cố kết cộng đồng của mình đến ngày nay. Tính cộng đồng của người Êđê trong buôn được gia tăng bởi quan hệ thân tộc. Thành viên trong buôn không những chỉ có quan hệ láng giềng mà còn có quan hệ họ hàng với những mức độ gần xa khác nhau. Từ đó dẫn đến tính tự quản của người Êđê là một hệ quả tất yếu của tính cộng đồng. Trong hoạt động tự quản người Êđê lấy luật tục làm công cụ chủ yếu để tác động, điều chỉnh đến các quan hệ cộng đồng.

Để vận dụng luật tục Êđê vào các lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng người Êđê ở tỉnh Đăk Lăk chúng tôi đề xuất một số vấn đề sau:

1. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần thấy rõ giá trị của luật tục Êđê để vận dụng luật tục trong quản lí nhà nước.

2. Hoạt động vận dụng luật tục người Êđê trong quản lí nhà nước không làm mất đi những giá trị tích cực của luật tục người Êđê mà cần góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của văn hoá luật tục. Từng bước xây dựng hương ước mới nhằm văn bản hoá luật tục của người Êđê, kịp thời ghi nhận những tri thức sáng tạo trong hoạt động tự quản cộng đồng của người Êđê để nó không bị mai một và lu mờ.

3. Cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thống văn hoá nhất là văn hoá cơ sở. Tăng cường các cơ sở giáo dục, đào tạo để các dân tộc thiểu số tại Đăk Lăk không những có cơ cấu xã hội thích hợp với đời sống văn hoá tinh thần cao mà còn phản ánh được bản sắc riêng, đậm đà bản sắc dân tộc của mình. Đó chính là cơ sở xã hội cho việc vận dụng tốt luật tục nói chung và luật tục Êđê vào trong quản lí cộng đồng người thiểu số tại Đăk Lăk.

4. Về mặt nâng cao ý thức pháp luật cần đầu tư đúng mức về tài chính và con người nhằm tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Êđê. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật phải thông qua nhiều hình thức và các phương pháp phù hợp. Trong xây dựng pháp luật cần thiết phải triển khai kịp thời nghiên cứu xây dựng nguyên tắc về áp dụng phong tục tập quán ở các vùng đồng bào dân tộc trong đó có dân tộc Êđê tạo điều kiện về mặt pháp lý cho việc vận dụng có hiệu quả luật tục Êđê trong quản lí nhà nước của chính quyền tỉnh Đăk Lăk.

Lê Đình Hoan (Trường Chính trị tỉnh Đăk Lăk)