TIN TỔNG HỢP Thứ ba, 17/07/2012 16:03 Phát triển văn hoá đọc cho đồng bào miền núi vẫn cần phải có

17/07/2012 Lượt xem: 524 In bài viết

Điểm bưu điện văn hóa xã Phúc Sơn, Chiêm Hoá tỉnh Tuyên Quang là đơn vị hoạt động tốt phục vụ nhu cầu thông tin của bà con dân tộc trong xã

Cách đây chưa lâu, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa-Thông tin) đã mở cuộc điều tra nhằm tìm hiểu nhu cầu đọc sách của nhân dân trong hệ thống thư viện của cả nước. Qua 40/60 bảng phỏng vấn mẫu điều tra tại 61 tỉnh thành, kết quả cho thấy: chỉ có khoảng 10% dân số nước ta thường xuyên đến thư viện đọc sách (trong đó, 75% là học sinh, sinh viên, còn lại là cán bộ đương chức, cán bộ về hưu).

Có rất ít người lao động nông nghiệp quan tâm đến sách, báo. Tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ bạn đọc đến thư viện thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng, thành thị. Độc giả lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng có thiên hướng ham mê đọc truyện tranh, nhất là thể loại truyện tranh có nội dung bạo lực...!

Mới đây, Vụ Thư viện và Cục Xuất bản vừa tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học nhằm tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất bản, phát hành, nâng cao tỷ lệ độc giả được tiếp cận với nhiều loại hình sách, báo...., nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tại Hội thảo, ông Trần Tấn Ngô, Tổng giám đốc Công ty Phát hành sách Việt Nam cho rằng: “Hoạt động của ngành xuất bản và phát hành trong nền kinh tế thị trường hiện nay, luôn phải xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là: Phải xây dựng được một thị trường sách thực sự lành mạnh, ổn định, đảm bảo chất lượng. Sách xuất bản phải đến đúng đối tượng và đông đảo bạn đọc có yêu cầu. Có như vậy, việc định hướng và tạo ra một nền “văn hoá đọc” cho công chúng của ngành xuất bản mới phát huy được hiệu quả xã hội cũng như hiệu quả kinh doanh”. Tuy nhiên, làm cách nào để xây dựng được một thị trường sách ổn định, đảm bảo chất lượng và phát triển “văn hoá đọc” hiệu quả cho vùng dân tộc và miền núi thì vẫn đang là một câu hỏi khó tìm lời giải. Ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc (NXBVHDT) cho biết: “Hiện nay, nước ta có khá nhiều nhà xuất bản nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đọc cho 20% dân số vùng thành thị, 80% dân số vùng nông thôn, miền núi rất ít có cơ hội được tiếp cận với các loại hình sách, ấn phẩm văn hoá do có nhiều nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là đồng bào không có tiền mua sách, không có thời gian và thói quen đọc sách, hoặc không biết chữ. Mặc dù, tiềm năng di sản văn hoá của 54 dân tộc nước ta còn rất lớn để các nhà khoa học, văn nghệ sỹ thoả sức tìm hiểu, khám phá, khai thác..., song, trên thực tế thì đội ngũ làm công việc này chưa nhiều, những ấn phẩm có nội dung phù hợp với “văn hoá đọc” của đồng bào còn ít”.

Được biết, bình quân hàng năm, Nhà XBVHDT tổ chức xuất bản gần 300 đầu sách và 60 loại văn hoá phẩm, tập trung chủ yếu vào 5 mảng: Bảo tồn, giới thiệu, phát huy di sản; phổ biến kiến thức, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc; giới thiệu sáng tác văn học nghệ thuật của các tác giả DTTS và đề tài DTTS; xuất bản các loại văn hoá phẩm tranh, ảnh, câu đối, lịch bàn, lịch tay, sổ, băng, đĩa... đến các loại “sách” hình, “sách” tiếng (dạng điện tử). Để chuyển tải kiến thức đến những đồng bào chưa thạo tiếng Kinh, Nhà XB VHDT đã tập trung biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách song ngữ, đa ngữ tiêu biểu như tập sử thi: “Bài ca chàng Đam San” của Y Vang Mlô Duôn Du (tiếng Ê Đê- Việt); “Truyện thơ Cao Lan” của Lâm Quý (Tiếng Cao Lan- Việt); “Cách phòng chống ma tuý” của Vi Hồng Nhân (Tiếng Việt - Ê Đê); Truyện Kiều (Tiếng Tày- Nùng) do Lã Văn Lô dịch; “Bài ca trên núi” (Tiếng Việt- Thái- Mông- Dao); Sổ tay “Phổ biến pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số” (Song ngữ Việt – Mông).... Những cuốn sách này thường được in dưới hình thức mỏng, chữ ít và to, có nhiều tranh ảnh minh hoạ, sử dụng hình tượng nghệ thuật dân tộc, câu văn đơn giản, dễ hiểu, nên được đồng bào đón nhận, đón đọc. Đây cũng là loại sách được Nhà nước và các tổ chức xã hội khác ưu tiên đặt hàng để cấp phát cho đồng bào dân tộc, miền núi thông qua các hệ thống thư viện, bưu điện văn hoá, trường học...

Tuy nhiên, để phát triển được nền tảng “văn hoá đọc”, nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS, trong thời gian tới vẫn còn nhiều điều phải bàn. Ông Lưu Xuân Lý khẳng định: “Hiện nay, các nhà xuất bản chưa được Nhà nước tạo cơ chế để gắn kết chặt chẽ giữa ba khâu: Xuất bản- in- phát hành, nên chúng tôi rất vất vả trong việc tìm địa chỉ phát hành. Tại các huyện miền núi hầu hết chưa có hiệu sách, trong khi đó, chúng tôi không có đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất khác để vươn tới các địa phương, xã, huyện miền núi. Vì thế, Nhà nước cần đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, trợ giá, trợ cước để đảm bảo có sản phẩm đọc phù hợp với đồng bào. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp về luân chuyển sách, xây dựng tủ sách ở các thôn, buôn, làng, bản, các đồn biên phòng để giải quyết đầu ra cho sách in và mở rộng, tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc miền núi được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước về văn hóa, thông tin...”./

Bài và ảnh: Sông Lam